09/06/2020 10:25
9X KHỞI NGHIỆP
Tận dụng nguyên liệu sẵn có của quê hương, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh KNĐMST từ việc sản xuất sản phẩm sinh thái thân thiện với môi trường. Em Huỳnh Văn No (sinh năm 1993), ngụ ấp Phước Bình, xã Vĩnh Phước A là điển hình trong phong trào KNĐMST trên địa bàn huyện Gò Quao. No tìm hiểu và xây dựng mô hình sản xuất ống hút từ sậy. Từ mô hình này giúp gia đình em thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho trên 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Là hướng dẫn viên du lịch quốc tế, No có điều kiện đi nhiều nước và nhận thấy nhiều quốc gia rất quan tâm công tác bảo vệ môi trường và sử dụng vật dụng phục vụ ăn, uống thân thiện với môi trường. No thích tìm hiểu, theo dõi tin tức trên phương tiện truyền thông về tác hại của rác thải nhựa sử dụng 1 lần như túi nylon, ống hút nhựa… đối với môi trường. Tháng 3-2019, trong một lần dẫn khách đi tour du lịch Thụy Sĩ, No nhận phần cơm đựng trong mo cau của một nhà hàng sang trọng. Mo cau - hình ảnh thân quen của ký ức tuổi thơ được nhà hàng dùng để đựng cơm cho khách. “Em không nghĩ mo cau được người ta tận dụng hữu ích như vậy. Em nhớ lại hình ảnh lúc nhỏ cùng anh chị ra đồng hái dừa và sử dụng sậy làm ống hút để uống nước. Vậy là ý tưởng sản xuất ống hút bằng sậy thôi thúc em làm việc có ích cho xã hội, quê hương từ nguyên liệu sẵn có”, No chia sẻ.
Sau tour du lịch Thụy Sĩ, No bắt đầu thử nghiệm việc sản xuất ống hút từ sậy. Sậy ở Kiên Giang nhiều và có nhiều kích cỡ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, sản phẩm ống hút sậy do gia đình của No sản xuất xuất bán cho thị trường Đức, Đài Loan, Hàn Quốc và có nhiều đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia. Trung bình mỗi tháng gia đình No bán từ 400.000 - 600.000 ống hút, giá từ 700 - 800 đồng/ống. Đồng chí Lâm Quốc Nam - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phước A cho biết: “Với cơ sở sản xuất ống hút bằng sậy tại nhà, No giúp địa phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. No xây dựng và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, thu nhập cao”.
Tương tự No, em Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1995), ngụ ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) khởi nghiệp với sản phẩm chén gáo dừa, quai treo thủy trúc và ống hút sậy. Đến nay, sản phẩm của Linh có mặt tại nhiều quán cà phê, nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Cà Mau; thu lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm. Thi đậu Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Điện lực TP. Hồ Chí Minh nhưng Linh tình nguyện nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, Linh thử sức bằng việc cộng tác cho công ty sản xuất, kinh doanh thảo mộc và sản phẩm tự nhiên ở 2 tỉnh Trà Vinh và Long An. Vừa làm vừa học, vừa ứng dụng thực tế, Linh thấy việc tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn góp phần giảm thiểu rác thải, nhất là rác lâu phân hủy. Vậy là Linh quyết tâm thử sức với sản phẩm từ thiên nhiên và thành công ngoài mong đợi.
HỖ TRỢ THANH NIÊN LÀM GIÀU
Đồng chí Vũ Hoài Thanh - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Hòn Đất cho biết: “Phong trào KNĐMST trong thanh niên huyện có nhiều kết quả khả quan. Nhiều thanh niên biến ý tưởng khởi nghiệp thành mô hình, dự án khởi nghiệp thành công, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành hoài bão làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong đó, nhiều thanh niên chủ động học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để phát triển các mô hình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường”. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thanh niên, cũng như định hướng phong trào khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, hàng năm, Huyện đoàn Hòn Đất chỉ đạo cơ sở Đoàn rà soát nhu cầu của thanh niên với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nhu cầu vốn để phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ.
Năm 2019, Huyện đoàn Hòn Đất tổ chức hoạt động cà phê khởi nghiệp để ĐVTN có tinh thần khởi nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm. Mặt khác, thời gian qua, Huyện đoàn chủ động hỗ trợ dự án, mô hình khả thi tham gia chương trình, cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, Trung ương để thanh niên học tập kinh nghiệm, tiếp cận chính sách hỗ trợ và thị trường. Cuối năm 2018, em Phạm Thanh Vũ, ngụ ấp Sơn Bình, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành dự án ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, tham gia cuộc thi đổi mới sáng tạo trong thanh niên tỉnh Kiên Giang năm 2019 và đoạt giải nhất cuộc thi. Năm 2019, Vũ sản xuất lúa hữu cơ theo hướng hữu cơ sinh học trên 10ha, mỗi vụ thu lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/công.
Đồng chí Lâm Quốc Toàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, phong trào khởi nghiệp và KNĐMST trong thanh niên tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực. Thanh niên phát huy vai trò, tinh thần xung kích trong KNĐMST, đồng thời cỗ vũ, động viên nhiều bạn trẻ xây dựng ước mơ, hoài bão, đam mê sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng”. Đoàn các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về khởi nghiệp, KNĐMST thông qua bản tin tuổi trẻ, website của hệ thống Đoàn, các trang mạng xã hội, diễn đàn tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Đoàn các cấp trong tỉnh tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, diễn đàn đối thoại, tư vấn, định hướng khởi nghiệp cho thanh niên, phát động thanh niên đề xuất trên 1.000 ý tưởng sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp, KNĐMST. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, duy trì 170 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, trong đó có 6 hợp tác xã, 164 tổ hợp tác thanh niên, tuyên dương 25 mô hình phát triển kinh tế.
Với nỗ lực của ĐVTN, sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ngày càng lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: