24/11/2020 14:41
TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
“Hiện tình hình sạt lở bờ biển, mặn xâm nhập diễn ra ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng tác động rõ nét theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn, như hạn hán tần suất xuất hiện nhiều và mức độ trầm trọng hơn, kéo theo mặn xâm nhập sâu, thời tiết khắc nghiệt ở vùng ven biển, thiếu nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vào mùa mưa, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhất là tình trạng xói lở bờ biển xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng đến năng suất và tăng chi phí mà giảm khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa”, đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Ghi nhận tại huyện An Minh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh khảo sát tình hình sạt lở tại xã Vân Khánh Tây đã ghi nhận thêm nhiều đoạn sạt lở mới trên địa bàn xã. Không chỉ sạt lở bờ biển, biến đổi khí hậu tác động xấu đến sản xuất trên địa bàn huyện.
“Những tháng đầu năm 2020, tình hình diễn biến thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; nhiều nhà sập, tốc mái ảnh hưởng đến an cư và kinh tế của hộ dân. nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của địa phương nhưng những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của thời tiết 3.923,85ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, trong đó có 267,7ha bị nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh EMS và 3.656,2ha do yếu tố môi trường”, đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh thông tin.
Theo nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại ấp Kim Quy A2, xã Vân Khánh Tây (An Minh), năm nay tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường, độ mặn nguồn nước cao đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản của người dân. Thả tôm và cua giống nuôi trong vuông nuôi hồi đầu năm, theo dõi một thời gian chưa thấy tôm cua đạt chuẩn như những lần nuôi trước, bà Nguyễn Thị Hải, ngụ ấp Kim Quy A2 phải thả bổ sung con giống.
Bà Hải chia sẻ: “Năm nay nguồn nước độ mặn cao, việc nuôi trồng ở 5 công đất của gia đình tôi không như ý. Tôm, cua giống thả xuống vuông được một thời gian lại thấy ít dần, số còn lại trong vuông cũng chậm lớn. Khi thả bổ sung con giống, canh lại nguồn nước nhưng tôm, cua phát triển rất chậm. Tôm còn thu hoạch được chút đỉnh, còn cua nuôi 5 tháng nhưng mỗi con bằng bàn tay em bé, không tạo thịt nên không thể thu hoạch lấy lại vốn”.
ỨNG PHÓ TÍCH CỰC
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, tỉnh triển khai thực hiện nhiều công trình quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, dự án phục hồi rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân sống ở vùng ven biển. Tỉnh triển khai xây dựng kè chống sạt lở ven biển một số địa phương: Mũi Nai (TP. Hà Tiên), Bình Giang (Hòn Đất), Mũi Rãnh (An Biên). Thực hiện mô hình xây dựng hàng rào giữ bùn gây bồi, tạo bãi phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở ven biển ở một số khu vực trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất.
Bà Nguyễn Thị Hải, ngụ ấp Kim Quy A2, xã Vân Khánh Tây (An Minh) dỡ rập thu hoạch cua trong vuông nuôi của gia đình.
Đồng chí Đỗ Minh Nhựt cho biết, tỉnh thực hiện dự án đắp 195 đập cố định và đập tạm; xây dựng hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây đoạn phía bắc Hà Tiên - Rạch Giá và đã hoàn chỉnh 22 cống thủy lợi phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nước cho vùng sản xuất ven biển ở TP. Rạch Giá và 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương. Đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống trên đê biển thuộc địa bàn An Biên - An Minh gồm 6 cống ngăn mặn, giữ ngọt, 9 cống phòng chống xói lở bờ biển.
Tỉnh triển khai đấu thầu thi công hỗ trợ nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện An Biên, An Minh dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long”; 18 cống trên tuyến đê biển trên địa bàn này cũng đang triển khai.
Ngoài sự quan tâm của tỉnh, ngành nông nghiệp, người dân tích cực thay đổi thói quen trong sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Trần Văn Linh có 2ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại ấp Kim Quy A2 cho biết, từ đầu năm đến nay ông đã thả 3 đợt giống tôm sú, tôm thẻ và cua. Nói về cách làm vuông, xử lý vuông nuôi, ông Linh ủng hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng tạo ra nông sản sạch, hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất.
Để nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, ông Linh chia sẻ: “Thời tiết ngày càng bất lợi cho sản xuất và nuôi trồng. Để thích ứng với thời tiết, ở vùng này phải chịu khó canh nguồn nước tại các khu vực nuôi thủy sản, đặc biệt là giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước. Theo dõi kết quả quan trắc của ngành chức năng kết hợp những khuyến cáo về lịch thả giống sẽ giúp cho người nuôi nắm diễn biến môi trường nước.
Hộ nuôi phải nhận biết các yếu tố môi trường bất lợi để có kế hoạch lấy nước vào ao, xử lý nước, thả con giống và quản lý vùng nuôi thích hợp”. Với cách làm trên, ở vụ nuôi này nhiều hộ nuôi lân cận không đạt, có hộ huề vốn, riêng hộ ông Linh đến thời điểm này đã thu 80 triệu đồng, lãi 60 triệu đồng, đảm bảo kinh tế gia đình.
Bài và ảnh: THÔNG NHI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: