27/01/2021 10:54
Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh huy động 29.186 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó hơn 2.179 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.
NGƯỜI HIẾN ĐẤT, NGƯỜI GÓP TIỀN
Chứng kiến cảnh người dân, học sinh đi lại vất vả do tuyến đường thuộc ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh (TP. Phú Quốc) bị xuống cấp, bà Trần Thị Hồng, ngụ ấp Rạch Hàm mong muốn xây dựng tuyến đường bê tông để việc đi lại của người dân được dễ dàng. Trăn trở mãi, bà Hồng đi đến quyết định tự bỏ tiền xây dựng đường cho người dân đi.
Năm 2019, tuyến đường liên xóm thuộc ấp Rạch Hàm dài gần 4.000m được xây dựng, với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng do bà Hồng đóng góp. Theo Hội Nông dân TP. Phú Quốc, giai đoạn 2015-2020, bà Hồng còn hiến 7.040m2 đất để làm đường giao thông liên tổ, xóm tại các tổ nhân dân tự quản số 5, 6 và 18, ấp Rạch Hàm; đóng góp 1,7 tỷ đồng xây dựng 6 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 1.560m ở ấp Rạch Hàm.
Bà Hồng còn ủng hộ tiền xây dựng 1 cây cầu bắc qua Dinh Bà và sửa chữa Dinh Bà tại trung tâm ấp Rạch Hàm, với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Bà Hồng còn hỗ trợ địa phương 200 triệu đồng xây dựng 4 căn nhà đoàn kết cho hộ nông dân nghèo trên địa bàn ấp Rạch Hàm. Bỏ ra tiền tỷ để làm chuyện có ích cho cộng đồng, bà Hồng nói: “Tôi thấy việc đóng góp cùng địa phương xây dựng nông thôn mới là việc làm có ý nghĩa, góp phần cho xóm ấp phát triển. Tôi góp tiền xây dựng đường để người dân, con cháu mình đi lại dễ dàng, an toàn là việc nên làm”.
Bà Trần Thị Hồng, ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh (TP. Phú Quốc) nhìn trẻ em chạy xe trên con đường trước nhà do bà hiến đất, góp tiền xây dựng.
Về ấp Mương Kinh A, xã Sơn Bình (Hòn Đất), chúng tôi nghe người dân địa phương kể nhiều về tấm lòng thơm thảo của ông Nguyễn Văn Tạo - người đóng góp tiền của, hiến đất, cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng nhiều công trình dân sinh.
Mới đây, khi Ủy ban nhân dân xã gặp khó vì không có quỹ đất xây dựng Trường Tiểu học Mương Kinh thay thế trường cũ đã xuống cấp, ông Tạo quyết định hiến gần 5.000m2 đất để xây dựng trường học. Nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến đường tỉnh 969B dẫn vào khu di tích lịch sử thắng cảnh Hòn Đất, mảnh đất 5.000m2 của ông Tạo hiến xây dựng trường học có giá trị lên đến nhiều tỷ đồng.
Ông Tạo cho biết: “Tôi chỉ mong các em học sinh có nơi học hành đàng hoàng. Việc hiến đất cũng là chút đóng góp của gia đình trong việc giúp xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
KHI DÂN BIẾT, DÂN LÀM
Môi trường là chỉ tiêu khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. 5 năm trở lại đây, nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong cộng đồng đã hình thành như thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt; đảm nhận tuyến đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp... Thành thói quen cứ sáng sớm, bà Nguyễn Kim Sơn, ngụ ấp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh (Giồng Riềng) lại tưới nước cho hàng hoa trồng ven đường tỉnh 963B trước nhà.
Phong trào vận động người dân, hội viên trồng hoa tại ấp Đường Gỗ Lộ được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã Long Thạnh triển khai từ năm 2019 và được người dân tích cực hưởng ứng. Bà Sơn nói: “Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 963B, người dân trên tuyến này hầu hết đều tự nguyện hiến đất, có hộ di dời hàng rào để công trình sớm hoàn thành. Đường vừa được mở rộng, người dân trồng hoa ven đường. Hàng tháng, cán bộ Hội Nông dân xã cùng người dân tổ chức vệ sinh môi trường làm không khí làng quê vui tươi hẳn”.
Hoa chiều tím và mười giờ được người dân trồng ven đường tỉnh 963B đoạn Bến Nhứt - Giồng Riềng.
Về huyện Giồng Riềng hôm nay, khách phương xa sẽ ấn tượng bởi những con đường đẹp, yên bình; những căn nhà mới khang trang nép sau hàng rào cây xanh được tạo dáng đẹp mắt, những hàng cây sao dọc theo con đường trải nhựa sạch, đẹp… Sức mạnh của cộng đồng được thể hiện nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Việc huy động người dân đóng góp trên 233,4 tỷ đồng là một thành tựu lớn của huyện Giồng Riềng trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, huyện có hệ thống giao thông thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp, trong đó đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa được 156,2km, đạt 100%.
Đồng chí Cao Quốc Điện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng chia sẻ: “Huyện đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Có được thành quả này, kinh nghiệm của huyện là đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, làm sao để người dân hiểu và chủ động chung tay góp sức xây dựng quê. Lòng dân đã thuận thì việc gì cũng xong.
Người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới không chỉ thể hiện ở chỗ góp bao nhiêu tiền và bao nhiêu đất mà còn thể hiện ở việc người dân sẵn sàng, chủ động tiếp sức, hiến kế cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thành công các phần việc trong xây dựng nông thôn mới”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH - THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: