17/07/2020 18:39
RỪNG PHÒNG HỘ HẸP DẦN
Kiên Giang có tuyến đê biển dài 200km từ Chùa Hang, thuộc xã Bình An (Kiên Lương) đến rạch Tiểu Dừa, thuộc xã Vân Khánh Tây (An Minh). Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi lở bờ biển theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy ven bờ, mặc dù có những đoạn bồi đắp nhưng không đáng kể, diện tích xói lở nhiều hơn bồi tụ. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm khoảng 94,07 km. Dọc theo tuyến đê biển có khoảng 150km rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn với tổng diện tích rừng khoảng 8.364ha. Trong đó, tỉnh giao khoán cho 2.056 hộ. Theo kết quả điều tra sơ bộ hiện trạng bờ biển tỉnh Kiên Giang do Dự án GIZ Kiên Giang thực hiện, mỗi năm tại huyện An Minh có từ 10 - 20m rừng phòng hộ bị mất do sạt lở bờ biển, huyện Hòn Đất có từ 20 - 50m rừng phòng hộ bị nước biển cuốn trôi. Những nơi có diện tích rừng phòng hộ bị mất do sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất là huyện An Minh gồm các xã: Thuận Hòa, Tân Thạnh, Vân Khánh, Vân Khánh Tây, Vân Khánh Đông; xã Lình Huỳnh, Thổ Sơn, Bình Sơn, Bình Giang (Hòn Đất); Mũi Rãnh (An Biên).
Trở lại khu vực ven biển thuộc ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn (Hòn Đất), anh Trương Văn Thước - Trưởng Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng ven biển Hòn Đất cho biết: “Gần 10 năm nay, sóng biển cuốn gần hết đai rừng phòng hộ nơi đây. Rừng phòng hộ đang dần mất đi theo từng năm. Mỗi năm, tốc độ mất rừng diễn ra nhanh hơn. Trước đây, đê biển từ ấp Hòn Quéo đến xã Lình Huỳnh (Hòn Đất) là 1 cánh rừng phòng hộ bạt ngàn dài khoảng 200m, muốn đi ra biển khó khăn lắm. Giờ đây, cánh rừng bạt ngàn ấy chỉ còn trong ký ức của nhiều người”.
Ông Nguyễn Văn Sự, ngụ ấp Hòn Đất, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) nhận 3,5ha đất giao khoán. Ông vừa giữ rừng vừa nuôi tôm cua dưới tán rừng để sinh sống. Ông Sự cho biết: “Sạt lở bờ biển cuốn 70% diện tích rừng phòng hộ Nhà nước giao khoán. Hồi tôi về đây ở, rừng nhiều lắm, sóng đánh riết rừng mất, nước biển tràn vào, tôm, cá đi hết, người dân nhận khoán đất rừng bỏ đi nơi khác vì không nuôi trồng được. Không có rừng bảo vệ, tới mùa gió sóng đánh vỡ bờ bao”.
ĐÊ BIỂN DỄ VỠ
Thực tế cho thấy, khi rừng phòng hộ mất, đê biển dễ vỡ hơn. Rạch Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây (An Minh) là điểm nóng về sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đoạn đê biển này nằm trên địa bàn 2 ấp Cây Gõ và Phát Đạt, thuộc xã Vân Khánh Tây dài 4,8km bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn mất gần như toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển, có đoạn sạt lở đến tận chân đê quốc phòng.
Đê quốc phòng thuộc rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây (An Minh) bị sóng biển đánh sạt lở tới chân đê, mất nhiều diện tích rừng phòng hộ.
Đồng chí Huỳnh Văn Khôi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Khánh Tây (An Minh) dẫn tôi ra đê quốc phòng để thấy sự tàn phá dữ dội của thiên nhiên. Đồng chí Khôi nói: “Cách đây 10 năm, đai rừng phòng hộ còn cách chân đê quốc phòng từ 200 - 300m. Nước biển mỗi năm cuốn trôi từ 20 - 30m rừng phòng hộ. Bây giờ, chân đê quốc phòng quá mỏng manh, đất bị cuốn trôi tới chân đê, chỉ thêm 1 mùa gió nam nữa mà không có giải pháp khắc phục, tôi sợ không giữ được đê quốc phòng”.
Ông Lê Văn Dự, ngụ ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây (An Minh) sống cặp đê biển từ năm 2012 đến nay cho biết: “Những năm gần đây, sạt lở bờ biển ngày càng dữ dội, đỉnh điểm là cơn bão số 3 năm 2019, triều cường dâng lên cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản của người dân sống trên đê. Tôi phải bỏ hết tài sản, ôm con nhỏ chạy thoát thân. Bây giờ, dù chỉ mới tháng 3 nhưng nước biển đang mấp mé chân đê”.
Theo đồng chí Đoàn Chí Tâm - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, sau khi kiểm tra thực tế và rà soát các danh mục sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm, đến nay Kiên Giang có 15 vị trí sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, cần nguồn kinh phí trên 2.187 tỷ đồng để thực hiện các công trình kè chống sạt lở. Về lâu dài, giải pháp gây bồi, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ là mục tiêu hàng đầu cần làm để bảo vệ an toàn đê biển trước tác động của biến đổi khí hậu. Việc hình thành đai rừng phòng hộ ven biển có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo bền vững cho các công trình kè chống sạt lở đã thi công.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: