01/09/2020 19:12
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT, KINH DOANH
Với kinh nghiệm kinh doanh, thị trường, khách hàng sẵn có, nhiều hộ kinh doanh nhanh chóng bắt nhịp theo mô hình doanh nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. 18 năm làm nghề chế biến khô hải sản các loại, gia đình chị Phạm Thị Bạch Thủy, ngụ đường Võ Trường Toản, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá quyết định chuyển đổi từ cơ sở cá khô Cao Văn Thái thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Thái Thủy từ tháng 11-2019.
Khi hoạt động ở mô hình hộ kinh doanh, cơ sở của chị Thủy chủ yếu giao dịch với khách hàng lẻ. Từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nhiều đối tác, khách hàng là doanh nghiệp tìm đến đặt hàng vì đơn vị có đủ hóa đơn, chứng từ thực hiện các hợp đồng cung ứng. Chị Phạm Thị Bạch Thủy cho biết: “Khô hải sản là đặc sản nổi tiếng của Kiên Giang. Ước mơ của tôi là tạo dựng thương hiệu khô riêng cho Kiên Giang, tạo một sản phẩm phục vụ du khách khi dừng chân, mua sắm tại TP. Rạch Giá”.
Từ ngày chuyển đổi lên doanh nghiệp, chị tiếp cận thông tin thị trường chế biến hải sản, ngành, nghề chính của doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn khi một số đối tác trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng. Công ty của chị Thủy dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng chị vẫn đang tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng để đầu tư máy móc sản xuất đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài.
Hiểu được lợi ích từ việc chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, chị Đinh Thị Bích Hằng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rượu truyền thống Xuân An, ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp chuyển đổi thành lập doanh nghiệp từ tháng 5-2019. Rượu nếp Kênh 5 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2013. Ngoài rượu nếp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rượu truyền thống Xuân An còn sản xuất nhiều loại rượu ngon như rượu nho, rượu chuối hột rừng, rượu mơ, rượu ổi, rượu la hán quả...
Quy trình ủ men rượu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rượu truyền thống Xuân An, ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).
TIẾP CẬN TÍN DỤNG
Được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh là nhu cầu của phần lớn hộ kinh doanh. Theo khoản 3, Điều 2, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, khách hàng vay vốn tại các ngân hàng là pháp nhân, cá nhân. Trong khi đó, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, nên đây là hạn chế đối với hộ kinh doanh khi muốn vay vốn tại ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Gia, tọa lạc số 373 khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, công ty được hỗ trợ vay ngân hàng 135 triệu đồng, lãi suất 0% để đầu tư 2 máy sấy mộc công nghệ ngoại nhập. Sau 3 năm sản xuất, kinh doanh, sản phẩm khóm, xoài sấy mộc do công ty sản xuất đã xuất sang thị trường một số nước.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Gia đầu tư thêm máy móc để khép kín quy trình sản xuất gạo lúa mùa hữu cơ từ khâu gieo cấy đến xay xát và đóng gói. “Chúng tôi đang liên kết với nông dân sản xuất 35ha lúa mùa giống Chim Rơi và Ba Bụi theo phương thức hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc hóa học… Tất cả hướng tới mục đích tạo ra nông sản sạch và lưu giữ lúa mùa cho thế hệ hôm nay. Công ty đang hoàn tất thủ tục để vay vốn ưu đãi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, ông Lê Quốc Việt cho biết.
Để chính sách đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đồng chí Bùi Trung Thực - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá cho biết: “Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo nghị định này, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hưởng một số ưu đãi như miễn lệ phí môn bài trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; được tư vấn, hướng dẫn miễn phí thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện...”.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với doanh số ước đạt 9.400 tỷ đồng, dư nợ 11.300 tỷ đồng, chiếm 14% tổng dư nợ toàn tỉnh, tăng 1,82% so đầu năm và tăng 2,19% so cùng kỳ năm 2019. Con số này phần nào minh chứng việc tiếp cận vốn tín dụng ở các doanh nghiệp luôn được tạo điều kiện thuận lợi. |
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: