21/12/2020 19:33
PHÁT HUY THẾ MẠNH LÚA GẠO
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Kiên Giang xác định trọng tâm phát triển ngành nông nghiệp là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Trên lĩnh vực trồng trọt, lúa là cây trồng chủ lực được tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nhiều chính sách đầu tư, phát triển để nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa.
Đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian qua, dưới tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu như hạn hán, mặn xâm nhập, mưa bão… ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa trong tỉnh, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương giảm dần diện tích lúa vụ 3, đồng thời tăng diện tích lúa chất lượng cao.
Năm 2020, diện tích lúa chất lượng cao toàn tỉnh đạt 629.470ha, chiếm 90% diện tích gieo trồng. Cùng việc gia tăng diện tích lúa chất lượng cao, các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành sản xuất, tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng lúa gạo”.
Nếu như năm 2015 các cánh đồng lớn chưa có trạm bơm điện, thì đến năm 2019 toàn tỉnh có 1.182 trạm bơm điện, 7.930 máy cày và máy xới, 30.888 máy phun bón phân, qua đó góp phần nâng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%.
Nông dân xã Mỹ Phước (Hòn Đất) thu hoạch lúa hè thu 2020.
Trong sản xuất lúa gạo, nông dân áp dụng giải pháp kỹ thuật như sạ thưa, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa sản xuất, giúp nông dân giảm gánh nặng về chi phí, thời gian, sức lao động trong suốt mùa vụ.
Ông Nguyễn Văn Tiền, ngụ ấp Số 8, xã Sơn Kiên (Hòn Đất) chia sẻ: “Những năm qua, tỉnh ta đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng, cống đập, trạm bơm điện thuận lợi cho nhân dân sản xuất. Ngoài ra, nông dân được tiếp cận nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, giúp năng suất lúa ổn định, giảm rủi ro dịch bệnh”.
Sau hơn 5 năm, với nỗ lực của ngành nông nghiệp, địa phương và nhân dân đã đưa Kiên Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo với sản lượng đạt trên 4,5 triệu tấn năm 2020, góp phần vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa phục vụ xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà.
CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG HỢP LÝ
Bên cạnh việc tập trung phát triển cây lúa, nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, người dân được tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sản xuất sang những cây trồng phù hợp nhu cầu, xu hướng tiêu thụ trên thị trường, nhất là phát huy lợi thế tự nhiên thổ nhưỡng, nguồn nước của từng vùng sinh thái.
Đến năm 2020, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 32.864ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo điều kiện phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại huyện Hòn Đất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần so trồng lúa cho các hộ sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác, giảm diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đồng chí Lê Văn Giàu - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất cho biết: “Ngoài tập trung sản xuất lúa 2 vụ, huyện còn chú trọng phát triển các loại rau màu luân canh trên đất lúa và trên đất liếp, đất chuyên canh rau màu như kiệu, khoai lang, các loại rau màu khác cùng các loại cây ăn trái như chuối Nam Mỹ ở xã Mỹ Thái, xoài cát Hòa Lộc ở xã Thổ Sơn, khóm ở hai xã Bình Giang, Bình Sơn thích nghi tốt, cho năng suất cao, góp phần quan trọng tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tạo nhiều sản phẩm đa dạng; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác hợp lý đất đai. Hiện diện tích cây công nghiệp, rau màu của huyện 4.350 ha”.
Ông Phạm Văn Dũng, ngụ ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái (Hòn Đất) chia sẻ: “5 năm thực hiện luân canh một vụ lúa một vụ khoai, tôi lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận từ trồng khoai gấp 5 - 6 lần trồng lúa, hơn nữa trồng khoai trên đất lúa không gây bạc màu mà còn làm đất tơi xốp, màu mỡ hơn”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: