10/09/2020 16:02
RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH
Sóng cấp 5, tàu Superdong XII khoảng 300 ghế ngồi gần như không còn chỗ trống vượt biển chở khách từ TP. Rạch Giá đến xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải). Ngồi cạnh tôi, chị Lê Thị Ánh (36 tuổi), ngụ ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn vừa trở về sau chuyến thăm cha mẹ ruột ở huyện An Minh nói: “Từ khi tàu Superdong chạy tuyến Rạch Giá - Lại Sơn hoạt động, tôi về quê thăm cha mẹ nhiều hơn. Đi tàu cao tốc rất khỏe, thời gian nhanh gần gấp đôi. Khoang tàu rộng, động cơ êm, gặp sóng lớn, tàu ít lắc lư”.
Hơn 10 năm trước chưa có tàu cao tốc, tôi phải mất hơn 2 giờ đi từ TP. Rạch Giá ra đảo Lại Sơn bằng tàu sắt. Hôm ấy, gặp sóng to, tàu lắc mạnh, một số người say sóng bị nôn đến xanh mặt. Thời điểm này, xã đảo Lại Sơn chưa xây dựng cầu cảng Bãi Nhà, tàu đến đảo không thể cập bến, hành khách phải xuống các ghe, thuyền nhỏ để trung chuyển lên bờ.
Giờ khách muốn đến Lại Sơn chỉ cần mua vé tàu cao tốc, mất khoảng 1 giờ 30 phút sẽ đến xã đảo. Cầu cảng Bãi Nhà xây dựng xong và đưa vào sử dụng năm 2013, thuận lợi cho các tàu cập cảng, hành khách lên bờ nhanh chóng, an toàn.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lại Sơn, hiện có 4 doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc để vận chuyển người dân và du khách từ TP. Rạch Giá đến Lại Sơn và ngược lại. Từ khi tàu cao tốc hoạt động, khách đến Lại Sơn ngày càng nhiều. Người dân xã đảo vào đất liền mua hàng hóa, thăm người thân… thuận lợi hơn trước.
Người dân và du khách đi bằng tàu cao tốc từ xã đảo Hòn Nghệ đến Ba Hòn (Kiên Lương).
“Trước đây, nhiều lần tôi định đưa gia đình ra Lại Sơn tham quan, du lịch nhưng chưa thực hiện vì sợ lúc sóng to gió lớn sẽ gặp nguy hiểm. Khi tuyến Rạch Giá - Lại Sơn có tàu cao tốc chất lượng hoạt động, hàng năm gia đình đều đi du lịch Lại Sơn dịp hè”, anh Phạm Văn Khoa - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nói.
Ngoài Lại Sơn, hiện các xã đảo Hòn Tre, An Sơn, Nam Du thuộc huyện Kiên Hải đều có tàu cao tốc hoạt động chở khách từ đảo về TP. Rạch Giá và ngược lại. Anh Trần Văn Tuấn - hành nghề chạy xe ôm, thường chở du khách tham quan quanh xã đảo An Sơn cho biết: “Trước kia đi tàu bình thường chạy từ TP. Rạch Giá đến An Sơn mất khoảng 6 giờ, sức chở hạn chế, du khách ít đến xã tham quan, du lịch. Nay tàu cao tốc chạy tuyến này chỉ mất khoảng 2,5 giờ, rút ngắn khoảng cách từ đất liền ra xã đảo nên khách du lịch đến đây rất đông, nhất là dịp cuối tuần và những tháng hè”.
Trên tàu cao tốc Thanh Tùng khởi hành từ Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương ra xã đảo Hòn Nghệ (Kiên Lương), bà Nguyễn Thị Hai (65 tuổi), ngụ xã Hòn Nghệ trò chuyện với chúng tôi. Bà Hai cho biết: “Giờ từ Hòn Nghệ, ngồi trên tàu khoảng 45 phút, chúng tôi có thể vào đất liền mua hàng hóa, thăm người thân và về trong ngày”.
Hòn Nghệ cách đất liền khoảng 20km. Theo một số người lớn tuổi sinh sống ở xã đảo này, khoảng nửa thế kỷ trước, người dân nơi đây chủ yếu đi bằng ghe buồm để mang sản vật đánh bắt được vào đất liền đổi lấy gạo và các nhu yếu phẩm. Những năm qua, tàu cao tốc từ Ba Hòn ra Hòn Nghệ hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa.
8 giờ sáng, bến tàu TP. Hà Tiên nhộn nhịp với nhiều hành khách xuống tàu ra xã Tiên Hải - xã đảo duy nhất của TP. Hà Tiên. Một người dân thường ra, vào xã đảo Tiên Hải thuộc làu: “Tuyến Hà Tiên đi Tiên Hải có các tàu sắt Minh Nga 1, tàu cao tốc Minh Nga 3, cao tốc Hoàng Hạnh... Tàu chạy chỉ mất khoảng 45 phút tới xã đảo”. Theo Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải, hiện toàn xã có 3 tàu, chạy 6 chuyến ra, vào/ngày vận tải hàng hóa và hành khách tuyến Hà Tiên - Tiên Hải.
Phú Quốc được mệnh danh là đảo ngọc, là huyện đón lượng khách du lịch hàng năm nhiều nhất so các địa phương khác trong tỉnh Kiên Giang. Ngày nay, khách muốn đến Phú Quốc dễ dàng chọn phương tiện để đi.
Ngoài đường hàng không, hành khách có thể chọn tàu cao tốc xuất phát từ TP. Rạch Giá hoặc TP. Hà Tiên để đến Phú Quốc. Theo đánh giá của nhiều du khách, với lượng phương tiện vận tải hiện có cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách.
ĐẦU TƯ CÁC TUYẾN VẬN TẢI
Nhận thấy tiềm năng về phương tiện vận tải hành khách từ đất liền ra các đảo là rất lớn, nhất là huyện Phú Quốc, từ năm 2010 đến nay, nhiều doanh nghiệp và cá nhân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cao tốc tiện nghi, giúp người dân xã đảo, du khách thuận tiện và tiết kiệm thời gian khi di chuyển từ đất liền ra các đảo và ngược lại.
Hàng loạt tuyến giao thông đường thủy kết nối các đảo với đất liền đưa vào hoạt động. Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện toàn tỉnh có 34 tuyến vận tải đường thủy nội địa, đường biển 4 tuyến. Nhiều tàu cao tốc vận tải từ đất liền ra các đảo có sức chứa lớn và vận tốc nhanh đã và đang đưa vào hoạt động chở khách từ đất liền đi các đảo thuộc huyện Phú Quốc, Kiên Hải. Chất lượng dịch vụ trên các phương tiện này được cải thiện rõ rệt, đảm bảo an toàn.
Một số tàu cao tốc có sức chứa lớn và vận tốc nhanh đang hoạt động vận chuyển hành khách từ đất liền ra các đảo trong tỉnh ta có thể kể đến như tàu Superdong chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du, Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại. Tàu Phú Quốc Express chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại. Ngoài ra, hiện còn một số phà cao tốc chở hành khách và xe đi Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc cùng nhiều cao tốc loại nhỏ, tàu sắt chở khách từ đất liền ra nhiều xã đảo khác trong tỉnh. |
Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang là một trong những đơn vị đầu tư nhiều tàu cao tốc hiện đại, tải trọng lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Công ty Cổ phần Superdong - Kiên Giang, bằng sự nỗ lực không ngừng , nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, mang lại cho khách hàng dịch vụ vận tải tốt nhất, hiện công ty đầu tư tổng số 12 tàu cao tốc hoạt động trên địa bàn Kiên Giang, chở khách từ TP. Hà Tiên đi Phú Quốc, TP. Rạch Giá đi Phú Quốc và các xã đảo Lại Sơn, quần đảo Nam Du (Kiên Hải).
Các tàu cao tốc này có sức chứa khoảng 170 - 300 khách. Đây là những tàu được thiết kế hiện đại, tiện nghi. Ngoài ra, công ty còn đầu tư hai phà cao tốc tuyến Hà Tiên - Phú Quốc chuyên chở hành khách, phương tiện vận tải và hàng hóa.
Việc các doanh nghiệp đồng hành, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư mới phương tiện vận tải kết nối đất liền với các xã đảo trong tỉnh góp quan trọng cho sự phát triển du lịch của tỉnh. Trong tương lai, khi du lịch ở các xã đảo ngày càng phát triển thì các tuyến tàu cao tốc chắc chắn còn được mở rộng hơn nữa.
Bài và ảnh: TÚ LY
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: