12/11/2020 10:39
CƠ GIỚI HÓA SẢN XUẤT
Cánh đồng lúa thu đông 2020 của Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến, ấp Bờ Xáng, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng) những ngày tháng 10 vàng rực như một tấm thảm trải dài. Tiếng máy cắt rền đồng báo hiệu nơi đây đang vào vụ thu hoạch. Được thành lập năm 2005, với 130ha, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến được xem là cánh chim đầu đàn của phong trào xây dựng mô hình kinh tế tập thể vận hành theo mô hình hợp tác xã kiểu mới của huyện Giồng Riềng.
Thực hiện cơ giới hóa sản xuất với đột phá đầu tiên là khâu bơm tát tập trung, từ 9 năm trước, ông Lê Hoàng Thống - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến và 11 thành viên góp 240 triệu đồng đầu tư 3 bình điện hạ thế, mua giàn bơm, mô tơ, gia cố cống đập. Có trạm bơm điện rút ngắn thời gian bơm nước gieo sạ cho hợp tác xã còn 7 ngày, giảm 18 ngày so bơm máy dầu. Chi phí sản xuất giảm, từ năm 2011 đến nay, thành viên hợp tác xã có lợi nhuận từ 2 - 3,5 triệu đồng/công/vụ.
Ông Thống cho biết: “Lúa vụ này trúng mùa nhờ quản lý nước tốt, giá 5.500 đồng/kg cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 600 đồng/kg nên thành viên hợp tác xã phấn khởi. Nhờ cơ giới hóa, các thành viên làm ruộng khỏe hơn, mưa bão cũng an tâm vì có trạm bơm điện. Lợi nhuận cũng tăng từ 30-40% so với trước”.
Qua nhiều năm làm lúa bằng phương pháp cấy mạ, ông Nguyễn Thanh Hà - thành viên Hợp tác xã dịch vụ thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội (Tân Hiệp) cho biết: “Làm lúa cấy tránh được sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc lẫn chi phí, lúa không đổ ngã như các ruộng sạ thường”. Từ vụ đông xuân 2017-2018, ông Hà chuyển 4ha ruộng sang cấy lúa bằng máy và áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất.
Ông còn vận động người dân trong ấp góp tiền mua máy cấy lúa trị giá 160 triệu đồng. Ông Hà cho biết: “Cấy lúa bằng máy chỉ tốn 5kg giống/công, giảm được 13 - 15kg giống/công so sạ thưa theo kiểu truyền thống. Chỉ tính tiền mua lúa giống giảm được 200.000 đồng/công. Qua nhiều năm cho thấy, cấy máy cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha, cao hơn 11 triệu đồng/ha so ruộng sạ dày nhờ giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh”.
HỖ TRỢ NÔNG DÂN
Huyện Tân Hiệp thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có nhân giống lúa cấp xác nhận bằng máy cấy là bước đột phá. Để khuyến khích nông dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ 2,9 triệu đồng/ha cho hộ chuyển đổi từ sạ tay sang phương pháp cấy lúa chất lượng cao bằng máy và kêu gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất lúa.
Sau 4 năm tuyên truyền, vận động, từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, hiện diện tích lúa cấy máy của huyện Tân Hiệp tăng lên 500ha/vụ. Toàn bộ diện tích lúa cấy máy đều được Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam thu mua với giá cao hơn thị trường 900 đồng/kg.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) chuẩn bị mạ cho vụ sản xuất mới.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận, đưa máy móc ra đồng. Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) được tỉnh chọn tham gia dự án cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất ở các tỉnh phía Nam. Dự án đầu tư xây dựng cánh đồng lớn 72ha với 36 hộ tham gia, mức hỗ trợ 3,4 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B được hỗ trợ 60 triệu đồng/máy mua máy cấy trị giá 170 triệu đồng; 10 bình phun động cơ, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/bình. Trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa cho người dân thực hiện chăm sóc và bón phân theo đúng quy trình lúa cấy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nhằm giảm tổn thất, hạ giá thành sản phẩm. Năm 2015, tỉnh chưa có trạm bơm điện, đến năm 2017 có 829 trạm, năm 2019 có 1.182 trạm. Máy cày, máy xới năm 2015 có 5.223 máy, đến năm 2019 là 7.930 máy. Khâu làm đất cơ bản được cơ giới hóa đạt trên 98%. Năm 2015, có 415 máy phun phân bón, đến nay có 30.888 máy. |
Ông Dương Khiêm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B cho biết: “Hợp tác xã xây dựng cánh đồng lớn, năng suất lúa đạt 6,7 tấn/ha. So với ruộng đại trà, số lần phun thuốc trừ sâu, bệnh giảm 25-33%, giá bán lúa cao hơn 900 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/ha, tăng hơn 40% thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp”.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: