25/11/2020 10:18
CÁI TẾT KHÔNG TRỌN VẸN
Chưa đầy một tuần nữa đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, bà Nguyễn Thị A.H đi khỏi địa phương. Hàng chục người tham gia dây hụi của bà H lo lắng chạy ngược chạy xuôi tìm bà. Lâu nay 5 ngày bà H mở hụi một lần, nhưng một thời gian liên tiếp nhiều lần không thấy bà mở hụi.
“5 ngày nữa đến tết, tôi dự định hốt một chân hụi với hơn 50 triệu đồng để mua đồ tết cho các con. Những tưởng cái tết được no ấm, ai ngờ...”, chị T.T.B, ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên (An Biên) kể lại.
Nhiều người đứng chân chơi hụi thay cho con, cháu đi làm thuê, làm công nhân ngoài tỉnh gửi tiền về để đóng hụi mong đến tết được hốt hụi thì bỗng dưng trắng tay. “Hơn một tháng sau bà H trở về địa phương tuyên bố vỡ hụi. Ban lãnh đạo ấp tổ chức hòa giải một lần giữa bà H với 86 người chơi hụi. Tổng số tiền thành viên bị thiệt hại gần 9,7 tỷ đồng”, đồng chí Lê Hữu Thọ - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Lô 2 cho biết.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi tìm gặp bà H. Bà cho biết làm chủ hụi khoảng 10 năm nay và thừa nhận tự ghi tên mình vào các dây hụi sau đó hốt lấy tiền. Còn nguyên nhân vì sao bà tuyên bố vỡ hụi, bà không cho biết. Theo một số thành viên chơi hụi cho biết, tham gia chơi hụi của bà H có lãi cao.
Hàng chục lá đơn người dân khiếu nại bà Nguyễn Thị A.H được gởi đến ban lãnh đạo ấp Lô 2, xã Hưng Yên (An Biên) . Tổng số tiền “tay em” bị thiệt hại gần 9,7 tỷ đồng.
“Dây hụi 1 triệu đồng, mở hụi có khi lên đến gần 500.000 đồng. Tức là người chơi chỉ cần đóng khoảng 500.000 đồng và lời 500.000 đồng/tháng. Một lời một nên thu hút khá đông người tham gia chơi dây hụi của bà H”, bà H.T.S, ngụ ấp Lô 2 phân tích. Khi bà H tuyên bố vỡ hụi, nhiều người mất hàng trăm triệu đồng, trong đó người cao nhất gần 900 triệu đồng.
Hiện vụ việc được Công an huyện An Biên thụ lý giải quyết nhưng bức tranh trắng tay của người chơi hụi dần hiện ra khi đồng chí Thọ cho biết trị giá tài sản của bà H chỉ vài trăm triệu đồng.
VƯỢT LÃI SUẤT QUY ĐỊNH
Từng làm chủ hụi nhưng vì lừa đảo thành viên để chiếm đoạt tài sản nên bà Quách Thị Q (SN 1964), ngụ ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ (Kiên Lương) bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 22-8-2019. Trong 20 người bị bà Q lừa đảo, hầu hết sống cùng ấp.
Từ ngày 25-9-2016 đến 20-1-2017 (âm lịch), bà Q đứng ra làm chủ hai dây hụi 200.000 đồng/ngày và 3 triệu đồng. Bà Q dùng những thủ đoạn gian dối, lừa đảo lấy tên một số người khác để hốt hai phần hụi, chiếm đoạt tiền của 14 thành viên và bán hụi khống, không có thật cho 8 người khác. Bà Q lừa đảo chiếm đoạt tiền của 20 người với hơn 517 triệu đồng; người ít nhất hơn 20 triệu đồng, nhiều nhất trên 283 triệu đồng.
Đáng chú ý ở dây hụi 3 triệu đồng, 10 ngày bà Q mở một lần. Mỗi lần mở hụi, có thành viên kêu hàng trăm ngàn đồng, có thời điểm lên đến 820.000 đồng. Nếu tính ra mỗi năm, thành viên tham gia dây hụi của bà Q sẽ có lãi hàng trăm % mỗi năm. Làm chủ hụi từ năm 2005, vì vậy bà Q chiếm được lòng tin của các thành viên.
Theo Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lãi suất trong hụi có lãi do thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn quy định trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. |
Hơn 10 năm làm chủ hụi, giao tiền hụi đầy đủ nên bà có uy tín đối với người dân trong ấp. Tuy nhiên từ năm 2014-2015, một số thành viên hốt hụi bỏ đi nơi khác, không đóng tiền nên bà không có tiền để trả lại cho thành viên nên bà phải vay tiền bù đắp số tiền thiếu cho các thành viên. Bà Q không thông báo với thành viên mà lại nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của thành viên để hốt hụi không được sự đồng ý của họ, bán hụi khống không có thật.
“Khi chơi hụi rất có lời, thậm chí là lãi cao nên ai cũng muốn chơi. Thay vì cầm tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tham gia chơi hụi dễ có lời hơn”, bà Nguyễn T.K, ngụ ấp Bãi Chướng cho biết.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: