13/07/2020 14:31
KHÓ KHĂN TRONG VẬN CHUYỂN VẬT TƯ
Kiên Giang có 13% hộ dân là đồng bào Khmer. Năm 2012, các hộ đồng bào Khmer chưa có điện sống chủ yếu ở vùng xa, giao thông chủ yếu là đường thủy, nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị thi công phải sử dụng nhiều phương tiện trung chuyển vật tư mới đến được vị trí xây dựng công trình. Với sự nỗ lực của ngành điện, đến nay, dự án hoàn thành mang lại ánh sáng cho 15.096 hộ đồng bào dân tộc.
Tôi có dịp trở lại thăm xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng) vào giữa tháng 5-2020. Trên đường vào ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa, cách từ 100 - 200m mới có một căn nhà. Đây là một trong những vùng lõm thưa dân của xã Ngọc Hòa. Trước đây, người dân trong vùng lõm sử dụng điện “chia hơi”, giá cao và không an toàn. Từ khi được cấp điện quốc gia, vùng lõm này như được khoác lên mình chiếc áo mới. Nhìn hàng dây điện dọc con đường, tôi không khỏi thắc mắc về việc vận chuyển vật tư, quá trình thi công dựng cột, kéo dây, nhất là việc vận chuyển cột điện. Dẫn đường phía trước, đồng chí Lê Minh Đảo - Giám đốc Điện lực Giồng Riềng cho biết: “Để thi công công trình điện ở vùng lõm, công nhân phải vận chuyển từng cây cột dưới nước, mỗi cây vận chuyển cần từ 4 - 5 người và phải mất hàng giờ mới vận chuyện được một cây”. Tuy điều kiện khó khăn nhưng công nhân đều cố gắng đảm bảo thi công đúng tiến độ đóng điện sớm cho người dân. Chị Thị Vui, ngụ ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa cho biết: “Trước kia chưa có điện lưới quốc gia, gia đình tôi sử dụng điện “chia hơi”. 8 năm trước, lúc mấy anh ngành điện gắn trụ và kéo dây, chúng tôi mong ngóng từng ngày. Khi có điện đến nay, đời sống vùng này phát triển nhiều lắm”.
Đến nay, trên địa bàn huyện Giồng Riềng dự án đã cung cấp điện cho 4.102 hộ dân. Khối lượng đường dây trung thế 68,9km, đường dây hạ thế 177,4km, tổng nguồn vốn 66 tỷ đồng.
ĐƯA ĐIỆN ĐẾN NGƯỜI DÂN
Tại huyện Kiên Lương, dự án được triển khai có tổng vốn đầu tư 6,9 tỷ đồng, cung cấp điện cho 700 hộ dân. Khác với những khó khăn trong vận chuyển vật tư thi công của ngành điện tại huyện Giồng Riềng, công nhân ngành điện khi thi công dự án trên địa bàn huyện Kiên Lương gặp không ít khó khăn đối với những tuyến đường dây có địa hình đồi núi. Tuyến đường dây vào Mo So thuộc ấp Ba Núi, khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) cấp điện cho trên 80 hộ dân có nhiều cột điện nằm ngay vùng có nhiều lớp đá, do đó ngành điện phải thuê đơn vị có chuyên môn khoan hố, dựng cột chứ không dùng biện pháp đào hố bằng xe như những nơi khác.
Chị Thị Vui, ngụ ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa vui mừng vì được sử dụng điện từ dòng điện quốc gia.
Sau nỗ lực của ngành điện, đến nay, tuyến đường này được phủ điện lưới quốc gia thỏa niềm mong đợi của người dân. Ông Danh Diệp, ngụ ấp Ba Núi cho biết: “Trước kia sử dụng điện “chia hơi”, gia đình tôi đóng trên 500.000 đồng/tháng. Khi có điện lưới quốc gia đến nay, hàng tháng gia đình tôi đóng chỉ hơn 100.000 đồng/tháng”.
Có điện lưới quốc gia, người dân nơi đây có nhiều dự định phát triển các mô hình kinh tế. Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ ấp Ba Núi chia sẻ: “Tôi nuôi tôm quảng canh hơn 10 năm nay, chỉ mong khu vực này có điện quốc gia để phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp. Từ lúc ngành điện thi công đường dây, tôi bắt đầu thuê múc vuông tôm. Khi ánh điện quốc gia tỏa sáng trong ấp cũng là ngày tôi hoàn thành việc chuẩn bị thả vụ tôm đầu tiên”.
XÓA VÙNG LÕM
Huyện Châu Thành có 1.080 hộ dân được hưởng lợi từ dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang”. Dù cách trung tâm thị trấn Minh Lương (Châu Thành) hơn 1km nhưng một số tuyến dân cư trên địa bàn huyện Châu Thành phải sử dụng điện “chia hơi” trong thời gian dài. Nguyên nhân chính là do các tuyến dân cư này tuy hình thành từ lâu nhưng dân cư thưa thớt, không đủ điều kiện để kéo đường dây mới. Điển hình là 32 hộ dân nằm dọc kênh Chùa Mới thuộc khu phố Minh An, thị trấn Minh Lương. Theo ông Trần Minh Sĩ, ngụ khu phố Minh An, nhà ông chỉ mới có điện lưới quốc gia hơn 3 tháng nay. Chỉ cho tôi thiết bị sử dụng điện vừa mới sắm, ông Sĩ nói: “Trước kia gia đình tôi muốn mua tủ lạnh, máy điều hòa sử dụng cũng không dám vì điện “chia hơi” yếu và giá cao. Nay có điện lưới quốc gia, gia đình tôi mua thêm nhiều thiết bị sử dụng điện như tủ lạnh, đầu karaoke, điều hòa, ti vi… phục vụ sinh hoạt và giải trí”.
Đồng chí Đổng Lưu Khiêm - Giám đốc Điện lực Châu Thành cho biết: “Nhiều tuyến dân cư tuy gần trung tâm thị trấn nhưng dân cư lại thưa, khoảng cách giữa các hộ xa, không đủ phát triển đường dây mới theo quy định. Do đó, khi được bố trí phát triển lưới điện mới theo dự án chúng tôi mới lắp hết được những vùng lõm thưa dân trên địa bàn”.
Niềm vui của hộ dân khi điện lưới quốc gia đến tận nhà dường như lan tỏa đến chúng tôi. Có điện, nhiều hộ dân phát triển mô hình kinh tế, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí thiết yếu.
“Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang” triển khai thực hiện từ năm 2012, có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 cấp điện cho 8.965 hộ dân có tổng mức đầu tư 198,3 tỷ đồng. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 89 tỷ đồng, cấp điện cho 6.131 hộ dân. Dự án xây dựng 290,935km đường dây trung thế, 806,553km đường dây hạ thế và 379 trạm biến áp, tổng dung lượng 4.900kVA”, đồng chí Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang cho biết. |
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: