19/04/2023 10:12
Bài 1: Những đứa trẻ trước vành móng ngựa
MẶT TRÁI CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Hàng năm, thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn - Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tham gia xét xử hàng chục vụ án trẻ chưa thành niên phạm tội. “Có nhiều nguyên nhân trẻ em phạm tội như hoàn cảnh gia đình, cha mẹ ly hôn, trình độ dân trí, tác động mặt trái sự phát triển của xã hội…”, thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn nói.
Theo thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn, việc người trẻ phạm tội tăng từng năm xuất phát từ mặt trái phát triển của xã hội. Công nghệ thông tin phát triển vượt bật kéo theo đó là nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… phát triển kèm theo những hệ lụy.
“Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội nhưng đằng sau những thông tin giải trí vẫn có những thông tin xấu, độc dẫn dắt giới trẻ. Người chưa đủ 18 tuổi có thể chưa nhận thức hết tác hại, nguy hiểm từ tác động của mạng xã hội. Họ bắt chước, làm theo hoặc bị xúi giục làm theo mà không nghĩ đến hậu quả”, thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn nói.
Nhiều thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên và cán bộ công an khẳng định ảnh hưởng của mạng xã hội khá lớn. Tình trạng sống ảo, thông tin giả, thông tin giải trí thiếu lành mạnh… mang tính dẫn dắt người dùng, nhất là với giới trẻ.
“Tôi tham gia chủ tọa nhiều phiên tòa thấy có nhiều vụ việc trẻ em phạm tội xuất phát từ mạng xã hội. Giới trẻ chưa có sức đề kháng tốt với những mặt trái của công nghệ; thiếu sự kiểm soát, quản lý của người thân, dẫn đến các em làm theo và phạm tội”, thẩm phán Nguyễn Thanh Phong - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) nói.
13 thanh thiếu niên bị Công an phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) bắt giữ khi mang hung khí đi đánh nhau, ngày 16-6-2022. Ảnh: VĂN VŨ
Thẩm phán Nguyễn Thanh Phong cho biết, ông mới tham gia xét xử 2 vụ án giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nguyên nhân xuất phát từ mặt trái của công nghệ, mạng xã hội. Qua Zalo, Danh Lượm (20 tuổi) kết bạn rồi thường xuyên nhắn tin với D.T.L (16 tuổi), ngụ cùng xã Minh Hòa, huyện Châu Thành. Sau đó, hai người gặp nhau tại nhà Lượm. Từ lần gặp đầu tiên, Lượm thực hiện hành vi giao cấu với L.
Lượm đã nhiều lần giao cấu với L đến khi cha L phát hiện và tố giác đến công an. “Thông qua Facebook, mới đây, D.A hơn 15 tuổi quen rồi đi xe máy lên tận vùng Tây Nguyên thăm người yêu mới 13-14 tuổi rồi “quan hệ”. Hậu quả là D.A phải ngồi tù”, thẩm phán Nguyễn Thanh Phong kể.
THIẾU SỰ QUAN TÂM CỦA NGƯỜI THÂN
Liên quan đến vụ Võ Văn Thẳng, ngụ huyện An Minh (Kiên Giang) tại thời điểm phạm tội mới hơn 15 tuổi vác dao theo anh bà con bắt ghen, hội đồng xét xử và người dân tiếc nuối cho hành động bồng bột và trách cha mẹ, người thân Thẳng bởi thiếu sự quan tâm, quản lý con em mình.
Thẩm vấn Thẳng, chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo có biết cầm hung khí nguy hiểm đi đánh người là phạm tội giết người, nhẹ cũng tội cố ý gây thương tích hay không?”. Thẳng đáp: “Bị cáo chỉ biết anh rủ nên theo chứ chưa nghĩ đến hậu quả”.
Vị hội thẩm nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Trân hỏi cha mẹ Thẳng: “Thời điểm bị cáo phạm tội gần 1 giờ. Con chưa đủ 16 tuổi, đi chơi khuya vậy mà anh, chị không quan tâm gì hay sao?”. Hai vợ chồng lúng túng, bà T.T.U - mẹ Thẳng trả lời: “Hôm đó, Thẳng nói qua nhà nội chơi rồi ngủ lại nên vợ chồng tôi không nghi ngờ”.
Vị hội thẩm nhân dân phân tích: “Ở tuổi này của các em dễ sa ngã nếu gia đình không tăng cường quản lý. Chị nên cho Thẳng học đàng hoàng để sau này có việc làm ổn định. Tôi hy vọng, sau khi con ra tù, anh chị có cách giáo dục, quan tâm con nhiều hơn”. Bà U nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ dạy con, mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để cháu sớm có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Bà U dứt lời, lúc này, mọi người dự phiên tòa chú tâm vào hai người đàn ông trạc 40 tuổi khắc khổ. Họ là anh em ruột (cha Thẳng và cha bị cáo Võ Văn Huy), đang thỏa thuận số tiền phải chi trả bồi thường cho phía bị hại gồm tiền tổn thất tinh thần, tiền công lao động và chi phí điều trị thương tích do hai người con gây ra từ vụ đi bắt ghen.
Phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Tuyết Minh và Lê Thị Mỹ Hân về tội mua bán trái phép chất ma túy không có người thân đến dự, mặc dù theo cáo trạng và lời khai của bị cáo đều còn cha mẹ, anh, chị em ruột. "Ở vụ án này, có thể thấy, gia đình các bị cáo thiếu sự quan tâm, giáo dục con em. Nhiều bị cáo còn rất nhỏ tuổi như bị cáo Hân hay L.T.M.T thời điểm phạm tội chỉ 12 tuổi 2 tháng 17 ngày. T bị các đối tượng xấu, lớn hơn lôi kéo mà không biết. T thiếu sự quan tâm, quản lý của cha mẹ dẫn đến em phạm tội”, bà Nguyễn Hồng Xứng - nguyên Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, hội thẩm nhân dân tỉnh phân tích.
Quan sát nhiều phiên xét xử vụ án giết người, cố ý gây thương tích, buôn bán ma túy mà bị cáo là người trẻ tuổi, thường chỉ có bị cáo và đồng phạm, ít có người thân đến dự phiên tòa. Các bị cáo nhìn về phía sau mong tìm gặp người thân để nhận sự sẻ chia nhưng chỉ thấy lực lượng công an bảo vệ phiên tòa, còn lại là hàng ghế dài với những khoảng trống mênh mông…
LÊ VINH
(KGO) - Sáng 20-11, Tòa án nhân dân TP. Phú Quốc mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai và tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hậu (32 tuổi), ngụ khu phố 2, phường An Thới, TP. Phú Quốc 3 năm tù giam về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Tổng số lượt truy cập: