08/11/2022 13:58
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho biết, tổng số vụ vi phạm trên tuyến đê và công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hòn Đất là 342 vụ vi phạm (từ năm 2019 trở về trước). Các hành vi vi phạm chủ yếu là cất nhà, chuồng trại vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Đến nay, chính quyền mới xử lý được 69 vụ, còn tồn đến 257 vụ chưa thể xử lý.
Chỉ tính riêng tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất có 81 vụ vi phạm được phát hiện, trong đó lập biên bản và xử lý 17 vụ, còn 64 vụ chưa xử lý. Xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất có 56 vụ vi phạm, đã xử lý 3 vụ vi phạm, còn tồn 53 vụ chưa xử lý.
“Trước những khó khăn trong việc xử lý, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh đã có Thông báo số 403, ngày 29-4-2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh giao UBND huyện Hòn Đất xử lý dứt điểm vụ việc theo đúng quy định”, đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung cho biết.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân số vụ vi phạm hành lang đê điều ngày càng tăng do công tác phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm còn hạn chế. Đối tượng vi phạm thường manh động, thách thức chính quyền địa phương và đe dọa lực lượng quản lý đê, trong khi đó, lực lượng quản lý đê rất mỏng, lại không được phép trang bị các công cụ để tự vệ nên mỗi lần lập biên bản vi phạm đều phải nhờ đến sự phối hợp của ấp, xã, gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh Kiên Giang có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng công trình đường ven biển từ Rạch Giá - Hòn Đất. Chi cục Thủy lợi tỉnh đã bàn giao tạm thời mặt đê biển thi công công trình cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, với tổng chiều dài 20,8km và 13 cây cầu xây dựng mới, trong đó đoạn nằm trên tuyến đê biển dài 18,8km.
Sau khi Ban Quản lý nhận bàn giao mặt bằng đê biển để tiến hành thi công đường, đến nay phát sinh thêm 16 vụ vi phạm và chưa xử lý được vụ nào. Hành vi vi phạm chủ yếu xây dựng nhà trái phép trên tuyến đê biển, tập trung nhiều ở xã Mỹ Lâm với 11 hộ vi phạm.
Một hộ dân ở ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) xây dựng nhà ở trái phép trên tuyến đê biển.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất Lê Văn Giàu, đối với 11 hộ này, UBND huyện sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2/11 hộ. 9 hộ còn lại, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, có 2 hộ đã di dời, 5 hộ chuẩn bị di dời. Riêng 2 hộ có quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đang chọn địa điểm di dời nhà ở.
Đồng chí Lê Văn Giàu cho biết, thời gian tới phòng sẽ phối hợp Mặt trận và đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về hành lang an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều. Phổ biến quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều để người dân hiểu và chấp hành.
Đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Hòn Đất sớm xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, các vụ ngoài khả năng hoặc không thể xử lý dứt điểm được thì tổng hợp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh giao cơ quan chức năng thực hiện.
“Ngành giao thông cần rà soát lại quy hoạch công trình đường giao thông ven biển, có quy định lộ giới các tuyến đường; phối hợp chính quyền địa phương quản lý hành lang bảo vệ đường bộ. Đồng thời phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh trong việc bảo vệ an toàn đê điều đúng quy định”, đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung đề xuất.
Bài và ảnh: THANH DƯ
(KGO) - Sáng 20-11, Tòa án nhân dân TP. Phú Quốc mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai và tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hậu (32 tuổi), ngụ khu phố 2, phường An Thới, TP. Phú Quốc 3 năm tù giam về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Tổng số lượt truy cập: