21/02/2023 09:09
ĐỦ CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO
Gần đây nhất, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kiên Giang đã phát hiện một vụ việc với thủ đoạn truy cập tài khoản Zalo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng sử dụng kỹ thuật chiếm đoạt tài khoản Facebook, tìm danh sách bạn bè có đăng thông tin số điện thoại để tìm tài khoản Zalo. Sau đó, đối tượng tiếp tục giả mạo là chủ tài khoản Facebook, nhắn tin link website có nội dung bình chọn tài năng cho bé đến chủ tài khoản Zalo để chiếm đoạt tài khoản Zalo.
Tiếp theo, đối tượng sử dụng tài khoản Zalo, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đồng loạt cho các tài khoản trong danh sách kết bạn với nội dung mượn tiền và yêu cầu gửi vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhiều người dân đã “dính bẫy” trước phương thức và thủ đoạn này. Cuối năm 2022, Công an tỉnh tiếp nhận thông tin của 3 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt 210 triệu đồng.
Một thủ đoạn khác cũng tinh vi không kém là giả danh cán bộ các cơ quan chức năng thông báo điều tra để lừa đảo. Mới đây, Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện 2 vụ đối tượng giả danh cán bộ các cơ quan chức năng thông báo điều tra, nạn nhân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, Công an phát hiện 2 vụ đối tượng tạo lập website giả mạo trang thương mại điện tử shopee, tự xưng là nhân viên Shopee, sử dụng mạng xã hội lôi kéo nạn nhân làm cộng tác viên kinh doanh online, yêu cầu nạn nhân nạp tiền thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trước và được hưởng hoa hồng. Đến khi nạn nhân nạp số tiền lớn thì bị chiếm đoạt.
Có vụ việc, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook), giả mạo chủ tài khoản để nhắn tin mượn tiền người khác sau đó chiếm đoạt. Một vụ khác, đối tượng lập website giả mạo giao diện trang web chính thức của ngân hàng cho vay vốn online, lôi kéo người cần vay chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.
Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo.
Thời gian qua, Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện 2 vụ có dấu hiệu cho vay lãi nặng với thủ đoạn quảng cáo cho người dân vay tiền trực tuyến qua các app trên điện thoại di động với số tiền cho vay từ 1-5 triệu đồng trên 1 app. Khi người vay không có khả năng chi trả, các đối tượng gọi điện, đăng hình ảnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người vay, bạn bè, người thân, đồng nghiệp trên mạng xã hội để khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, gây áp lực để buộc người vay trả nợ.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số đối tượng lôi kéo người chơi đầu tư vào các sàn ngoại hối do đối tượng tổ chức thiết lập. Người chơi lựa chọn cặp ngoại hối, tiền kỹ thuật số để đặt cược tăng hay giảm trong một đơn vị thời gian. Khi đặt cược thắng, người chơi nhận về số tiền bằng số tiền cược sau khi trừ đi phí của sàn, nếu thua, người chơi sẽ mất toàn bộ tiền đã đặt cược.
KHUYẾN CÁO PHÒNG NGỪA
UBND tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, người dân không công khai các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.
Công dân cần cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Nên tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.
Người dân cần cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng; lưu ý chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web chính thức của ngân hàng có uy tín. Không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Khi nhận được tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người thân, bạn bè, người quen nhờ mua thẻ cào điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền hộ thì cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin người nhờ, không nói chuyện qua tin nhắn.
Người dân cần chặn số điện thoại, tin nhắn đối với các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin quấy nhiễu hoặc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu chuyển hoặc nhận tiền từ nước ngoài về thì nên gửi, nhận thông qua ngân hàng có uy tín; không sử dụng các dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp.
Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu mất điện thoại, cần báo nhà mạng khóa sim ngay.
Người dân không nên mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, nhất là những đối tượng không quen biết. Đồng thời, cần thận trọng khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên mạng.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra các trường hợp nạn nhân của tội phạm công nghệ cao... công tác, làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Đáng chú ý là vụ việc một cán bộ văn phòng huyện ủy vay tiền qua website hoặc vụ việc nhân viên một bệnh viện vay tiền qua app. Sau đó bị các đối tượng cho vay nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin để gây áp lực buộc nhân viên này trả nợ. Báo động hơn khi nguyên chủ tịch UBND một xã ở TP. Phú Quốc bị các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt 1,9 tỷ đồng.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Sáng 20-11, Tòa án nhân dân TP. Phú Quốc mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai và tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hậu (32 tuổi), ngụ khu phố 2, phường An Thới, TP. Phú Quốc 3 năm tù giam về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Tổng số lượt truy cập: