03/09/2022 15:01
Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp ủy ban nhân dân các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không gieo sạ lúa vụ 3. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân gieo sạ lúa vụ 3 trên nền đất lúa đông xuân. Diện tích này huyện không khuyến cáo sản xuất và không nằm trong kế hoạch sản xuất của huyện. Cụ thể vụ mùa 2021-2022, huyện gieo sạ 1.140ha lúa vụ 3 chủ yếu ở 3 xã Vĩnh Hòa 490ha, Hòa Chánh 569ha và Thạnh Yên 81ha.
Đồng chí Dương Quốc Khởi - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết do lúa vụ 3 của vụ mùa 2021-2022 gieo sạ trên nền đất lúa đông xuân nên gieo sạ trễ, khi lúa trổ đồng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất vì nước mặn xâm nhập vào các con kênh. Lúa vụ 3 bị thiệt hại lớn, có 482ha thiệt hại từ 30-70% và 85ha thiệt hại trên 70%, năng suất bình quân 4 tấn/ha.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp và ủy ban nhân dân các xã tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3, có thể thay thế bằng vụ màu hoặc cải tạo cho đất cho vụ mùa kế tiếp.
Những ngày này, chúng tôi đến ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng nơi có diện tích sạ lúa vụ 3 hàng năm đứng đầu cả huyện. Nhiều nông dân cho biết sản xuất không có lời, nên năm nay quyết bỏ lúa vụ 3. Anh Lương Hoàng Quân, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh cho biết ở địa bàn ấp, các năm trước gần như 100% diện tích sản xuất được nông dân sạ lúa vụ 3.
Anh Quân nói: “Mấy năm trước, người dân đều sạ lúa vụ 3 nên tôi cũng sạ. Tuy nhiên sản xuất không có lãi do giá phân tăng quá cao và bị ảnh hưởng mặn xâm nhập nên lúa không trúng, bán lúa chỉ đủ trả tiền phân thuốc, tiền công thu hoạch”.
Anh Lương Hoàng Quân, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) phơi lúa hè thu.
Làm lúa 3 vụ/năm sẽ khiến đất không được “nghỉ ngơi”, thiếu độ phì nhiêu, nên sản xuất lúa vụ 3 chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cao hơn so với chỉ làm lúa 2 vụ. “Hiện tôi thu hoạch lúa hè thu xong, xới đất để chờ đến lịch thời vụ khoảng trung tuần tháng 9 để sạ vụ đông xuân chứ không sạ đông xuân sớm như hàng năm. Năm nay, tôi quyết định không sạ lúa vụ 3”, anh Quân nói.
Có diện tích sản xuất lớn ở ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng với 65 công đất, ông Phạm Văn Niên cho biết năm nay nhất quyết không sạ lúa vụ 3. Theo ông Niên làm lúa vụ 3 vừa lỗ, vừa cực công, cực đất. “Lãnh đạo xã và ấp xuống tuyên truyền người dân không sạ lúa vụ 3 và những khó khăn trong sản xuất lúa vụ 3, nông dân cũng thấy rồi. Tôi quyết định không sạ lúa vụ 3, dành thời gian cải tạo đất để đến vụ đông xuân nhẹ phân bón”, ông Niên nói.
Đồng chí Ngô Quốc Khánh - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh cho biết vụ mùa 2021-2022, hầu hết cả ấp đều sạ lúa vụ 3 với diện tích hơn 340ha. Tuy nhiên, mặn xâm nhập khiến lúa bị thiệt hại, có người thu hoạch chỉ được 400kg/công, lỗ nặng, từ đó nông dân không còn muốn sản xuất lúa vụ 3.
“Hàng năm, thời điểm này bà con trong ấp sạ lại vụ đông xuân sớm để chuẩn bị cho vụ 3 nhưng năm nay qua nắm tình hình toàn ấp chỉ sạ 50-70ha lúa đông xuân sớm từ 5-20 ngày. Những hộ này thu hoạch lúa sớm và có khả năng sạ thêm vụ 3 trên nền đất lúa đông xuân. Hiện ban lãnh đạo ấp tiếp tục vận động nhân dân không sạ lúa vụ 3”, đồng chí Khánh nói.
Đồng chí Châu Thảo Nguyên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng cho biết qua nắm tình hình ở 3 ấp trên địa bàn xã hàng năm gieo sạ lúa đông xuân sớm để sạ lúa vụ 3, đến nay ở 2 ấp Chống Mỹ, Vĩnh Trung hầu hết nông dân không sạ vụ đông xuân sớm. Nông dân sẽ gieo sạ đông xuân đúng thời vụ, khả năng không gieo sạ vụ 3 trên nền đất lúa đông xuân.
“Những năm qua, nông dân vì không muốn để đất trống và thấy giá lúa tăng từ dịp Tết nguyên đán hàng năm nên sạ lúa vụ 3 mang tính tự phát với hy vọng kiếm thêm thu nhập. Song mặn xâm nhập sớm khiến nông dân làm lúa vụ 3 phần lớn đều lỗ. Hiện xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sạ lúa vụ 3 và xuống giống vụ đông xuân theo lịch thời vụ”, đồng chí Châu Thảo Nguyên cho biết.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: