05/01/2025 14:23
Anh Bùi Hoàng Thắng tốt nghiệp ngành bảo vệ thực vật Trường Đại học An Giang vào năm 2020. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho công ty chuyên cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với mức lương khá ổn định.
Tuy nhiên, anh luôn trăn trở về việc lập nghiệp để làm chủ công việc và thu nhập của mình. Sau 2 năm làm việc cho công ty, anh quyết định nghỉ việc, trở về quê nhà lập nghiệp. Gia đình có sẵn đất ruộng nhưng trồng lúa không có lợi nhuận cao nên anh quyết định hướng đi mới là trồng dưa lưới.
Anh Bùi Hoàng Thắng giới thiệu dưa lưới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Thắng liên hệ với công ty đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng. Kinh phí đầu tư nhà màng cao, với 500 triệu đồng/nhà diện tích 1.200m2, nên lúc đầu anh chỉ làm 1 nhà màng để trồng dưa. Sau một năm việc trồng dưa lưới mang lại hiệu quả, anh Thắng quyết đầu tư làm thêm 1 nhà màng với diện tích 1.300m2, kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Nhà màng được đầu tư có hệ thống tưới tự động, anh Thắng cũng được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới. Mỗi năm, anh trồng bình quân 4 vụ dưa, với mỗi vụ 3 tháng, cho năng suất khoảng 10 tấn/2 nhà màng, sau khi trừ chi phí, anh Thắng lãi khoảng 100 triệu đồng.
Anh Thắng cho biết công ty cung cấp giống, phân bón và bao tiêu đầu ra nên vấn đề tiêu thụ sản phẩm ổn định. Hiện anh trồng loại dưa lưới vàng có màu sắc bắt mắt, ăn vào có vị ngọt đậm nên được khách hàng ưa chuộng.
Anh Thắng cho biết: “Để có được thành quả trồng dưa lưới như hiện nay, tôi phải vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình trồng do lúc đầu còn chưa nắm vững quy trình trồng, chưa có kinh nghiệm. Sau 1 năm trồng dưa, tôi nắm vững quy trình trồng dưa phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương”.
Anh Bùi Hoàng Thắng giới thiệu sản phẩm rượu dưa lưới.
Theo anh Thắng, trồng dưa vào mùa mưa năng suất không đạt bằng mùa nắng do mùa mưa không thuận lợi cho việc cây dưa thụ phấn, cây cũng dễ bệnh, nhưng nhờ nắm được quy trình nên anh kiểm soát cây trồng phát triển.
Anh Thắng nói: “Tôi kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây dưa lưới trong giới hạn cho phép, trước khi thu hoạch ngưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 2 tuần, trong quá trình trồng ưu tiên sử dụng vi sinh hữu cơ. Nhờ đó, tôi đã đăng ký sản phẩm dưa lưới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024”.
Ngoài trồng dưa lưới, anh Thắng nghiên cứu sản xuất rượu dưa lưới. Anh cho biết rượu trắng được chọn từ rượu nếp Kinh 5 của xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) nổi tiếng thơm, ngon, an toàn cho người dùng; đồng thời ủ dưa lưới với đường phèn tạo thành nước cốt dưa lưới đem với pha rượu trắng theo tỷ lệ thích hợp. “Việc sản xuất mới đầu năm 2024, cũng qua nhiều lần thất bại mới có được thành công”, anh Thắng nói.
Hiện sản phẩm rượu dưa lưới được bán với giá dùng thử 40.000 đồng/lít, rượu có mùi thơm dưa lưới, dễ uống nên bước đầu được một số khách hàng lựa chọn. Anh cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm OCOP từ việc trồng dưa lưới vừa để nâng tầm chất lượng sản phẩm vừa góp phần nâng thu nhập từ việc sản xuất.
Có thu nhập khá từ nghề trồng dưa lưới, giúp anh Thắng có cuộc sống ổn định. “Tôi vừa sản xuất vừa tham gia lực lượng dân quân tự vệ, được cấp trên điều động huấn luyện, canh gác, lao động giúp dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai, mưa bão hoặc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương”, anh Thắng nói.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Chiều 27-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: