23/08/2023 09:22
Ông Nguyễn Cao Cường, ngụ khu phố 3, phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết, sau khi được lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền, giải thích, ông Cường nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Vì vậy, thời gian qua, 4 tàu cá của gia đình ông tuyệt đối không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, có gắn thiết bị giám sát hành trình và luôn bật máy 24/24 giờ, ghi nhật ký khai thác đầy đủ…
Những lúc thời tiết không tốt, mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình cục bộ, ông Cường đều thông báo cho các cơ quan chức năng trong đất liền và phối hợp sửa chữa kịp thời.
Khi TP. Hà Tiên có quyết định thành lập tổ tàu, thuyền an toàn nghề cá đầu tiên vào năm 2017, ông Cường là người ủng hộ, tham gia đầu tiên và được chọn làm tổ trưởng. Mỗi tổ có từ 3-5 chủ tàu cá.
Khi địa phương có những văn bản mới, với vai trò là tổ trưởng, ông Cường cùng lực lượng biên phòng tuyên truyền, phổ biến đến các thuyền viên. Các tàu cá đều treo cờ Tổ quốc và gắn thiết bị giám sát hành trình.
“Tôi và thành viên trong tổ thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Chúng tôi đều hiểu được việc gắn thiết bị giám sát hành trình không chỉ giúp các cơ quan chức năng xác định vị trí của tàu cá mà dữ liệu giám sát tàu cá được sử dụng làm căn cứ để xử lý khi có tranh chấp trên biển. Đồng thời, việc gắn thiết bị giám sát hành trình còn giúp tôi theo dõi để quản lý tàu cá khi ra khơi”, ông Cường chia sẻ.
Các chủ tàu cá trên địa bàn TP. Hà Tiên (Kiên Giang) chủ động xuất trình các loại giấy tờ trước khi ra khơi đánh bắt.
Từ 1 tổ tàu, thuyền an toàn nghề cá đầu tiên thành lập vào năm 2017, đến nay toàn TP. Hà Tiên (Kiên Giang) có 13 tổ với trên 60 thành viên. Tổ trưởng các tổ đều trở thành tuyên truyền viên, là cầu nối giữa lực lượng biên phòng với các thuyền viên.
Các tàu khi ra khơi đều thực hiện đúng các quy định về chống khai thác IUU. Nhờ thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở nên ý thức chấp hành các quy định về chống khai thác IUU của ngư dân ngày càng tốt hơn.
Anh Lê Thành Lắm - chủ tàu cá KG-92773TS, ngụ phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết: “Từ khi thành lập tổ tàu, thuyền an toàn nghề cá, ý thức chấp hành, chống khai thác IUU của chủ tàu cá và ngư dân ở TP. Hà Tiên được nâng lên. Khi được tuyên truyền tôi cũng trao đổi với các thuyền viên về những việc nên làm và không được làm khi đánh bắt trên biển, từ đó các thuyền viên chấp hành theo”.
Là chủ tàu KG-61843TS, ông Đinh Văn Hà, ngụ phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên nói: “Chúng tôi thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những quy định của Nhà nước về chống khai thác IUU với quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam. Khi gỡ được thẻ vàng thì thủy sản của nước ta sẽ được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và giá trị sản phẩm sẽ tăng”.
Đến nay, số tàu cá của TP. Hà Tiên (Kiên Giang) tham gia hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 163 tàu, đạt trên 99%, còn 1 tàu nằm bờ không hoạt động. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng tại các trạm kiểm soát biên phòng được lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tốt.
Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản. Thuyền trưởng phải thông báo trước 1 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác bảo đảm phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá...
Từ đầu năm 2023 đến nay, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Thượng tá Nguyễn Văn Tùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, thời gian qua chủ tàu cá và ngư dân trên địa bàn TP. Hà Tiên luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển.
Một số chủ tàu cá trở thành tuyên truyền viên, hỗ trợ lực lượng chức năng trong tuyên truyền, vận động ngư dân chống khai thác IUU, tất cả đều hướng đến nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: