26/03/2024 10:03
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Pháo Đài và Phòng Kinh tế TP. Hà Tiên tuyên truyền về chống khai thác IUU đến các chủ tàu và ngư dân.
Trước đây, vùng biển TP. Hà Tiên có nguồn hải sản đa dạng và phong phú, nhiều ngư dân vươn lên thoát nghèo từ khai thác. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường sống của nhiều loại thủy sản bị ô nhiễm, khai thác quá mức, ý thức bảo vệ thủy sản của một số người dân chưa cao làm cho nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt.
Nhận thấy việc tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực, các cấp, ngành TP. Hà Tiên thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đầu năm 2024 đến nay, UBND thành phố tổ chức thả trên 3 triệu con giống như tôm, cua, cá các loại và 100kg ghẹ ôm trứng về môi trường tự nhiên.
Sau thời gian phát động, việc thả con giống về tự nhiên được người dân trong và ngoài thành phố chung tay thực hiện, bảo vệ môi trường sinh thái bằng nhiều hình thức. Ông Trần Văn Phúc - chủ trại tôm giống Hồng Phúc, phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên cho biết: “Năm nào tôi cũng ủng hộ tôm giống thả xuống đầm Đông Hồ để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tôi hy vọng tôm giống sẽ phát triển, sinh sản thêm để môi trường thủy sản của đầm ngày càng đa dạng hơn”.
Chủ tàu cá trên địa bàn TP. Hà Tiên chủ động xuất trình các loại giấy tờ trước khi xuất cảng.
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Tiên vẫn còn trường hợp các phương tiện hoạt động nghề xiệp ven bờ, lờ dây, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Các trụ đáy, dớn bắt cá đặt ven bờ gây mất an toàn giao thông, cản trở dòng chảy và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Các ngành chức năng thành phố kiểm tra, xử lý 29 cây trụ đáy trái phép; xử phạt 2 phương tiện khai thác hải sản trái phép với số tiền 15 triệu đồng.
“Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU thành phố đã có nhiều hoạt động trong bảo vệ, tạo sự đa dạng về nguồn lợi thủy sản. Việc thả con giống về tự nhiên là hoạt động được thành phố duy trì nên thủy sản ở đầm Đông Hồ và khu vực ven biển ngày càng được cải thiện”, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU TP. Hà Tiên Đặng Trung Tín cho biết.
UBND TP. Hà Tiên huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể, các hộ thu mua thủy sản, các hộ cung cấp vật tư, hậu cần nghề cá cùng tham gia tuyên truyền các quy định phòng, chống khai thác IUU. Các ngành chức năng thành phố tổ chức trên 250 cuộc gặp gỡ, đối thoại và tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thủy sản năm 2017; các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Luật Biên phòng Việt Nam... có trên 5.300 lượt người tham gia.
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Pháo Đài ra hiệu lệnh cho tàu cá cập bến để kiểm tra trước khi ra khơi.
Các ngành chức năng TP. Hà Tiên phát 1.300 thư kêu gọi lần 2 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc hưởng ứng chống khai thác IUU; tặng 140 lá cờ Tổ quốc, 100 ảnh Bác cho ngư dân. “Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, tôi và thuyền viên hiểu được tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Chúng tôi luôn chấp hành tốt quy định về đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật liên tục trong quá trình hoạt động. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác cũng được chúng tôi thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Đức Thanh, ngụ khu phố 5, phường Bình San nói.
Để chuẩn bị cho đợt làm việc với đoàn thanh tra Liên minh châu Âu (EC), TP. Hà Tiên thực hiện giải pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tàu cá của thành phố khai thác IUU. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên Mai Quốc Thắng thành phố tập trung cao điểm xử lý các hành vi khai thác IUU; quản lý và giám sát tàu cá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU.
Lực lượng chức năng TP. Hà Tiên tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, tàu cá hoạt động ven bờ; duy trì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; rà soát, thống kê, kiểm đếm số lượng tàu cá... nhằm chung tay tháo gỡ thẻ vàng.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: