09/08/2023 16:07
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ năm 2021 đến nay, tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng 8 công trình kè chắn sóng, gây bồi, tạo bãi để trồng rừng phòng hộ nhằm phòng, chống sạt lở bờ biển, với tổng chiều dài trên 45km, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Những công trình này nằm trên địa bàn các huyện Hòn Đất, An Biên, An Minh... có bờ biển sạt lở nghiêm trọng, trong đó có 6 công trình đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng và 2 công trình đang thi công.
Công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực vàm Kim Quy, xã Vân Khánh (An Minh) cơ bản hoàn thành, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ.
Kiên Giang có chiều dài bờ biển phần đất liền khoảng 200km, từ Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) đến Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang), tiếp giáp với tỉnh Cà Mau. Nhiều đoạn trên tuyến bờ biển này bị sạt lở nghiêm trọng, gây mất rừng phòng hộ, đất sản xuất ven biển, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống người dân trong khu vực.
Theo ngành chức năng tỉnh, tổng chiều dài các đoạn bờ biển bị sạt lở nặng, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm khoảng 100km, nhất là vào mùa mưa bão xuất hiện nhiều sóng to, gió lớn, thủy triều dâng cao.
Một trong những khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm là đoạn Kim Quy - Tiểu Dừa thuộc địa bàn 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây.
Đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, thời gian qua do tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn biến ngày càng phức tạp, gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng trên địa bàn, nhất là khu vực vàm Kim Quy giáp Tiểu Dừa. Có năm mưa bão nhiều, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn, có thời điểm sạt lở mất hơn 200m đê quốc phòng.
Trước tình hình sạt lở tại khu vực Kim Quy - Tiểu Dừa, tỉnh và các bộ, ngành chức năng Trung ương đã đầu tư xây dựng hoàn thành công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển và đang tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, gây bồi, tạo bãi để trồng rừng phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Công trình kè chống sạt lở bờ biển và phục hồi tuyến đê, kè biển Kim Quy - Tiểu Dừa được xây dựng nhằm tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho khu vực các xã ven biển huyện An Minh, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo vệ ổn định khu dân cư tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.
Ông Võ Thanh Tùng, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh cho biết: “Được Nhà nước đầu tư công trình kè chắn sóng, phòng, chống sạt lở khu vực Kim Quy, người dân ở đây rất mừng, không còn lo sợ sạt lở nữa. Giờ người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Theo ông Tùng, trước đây khi chưa xây dựng kè, vào mùa mưa bão xảy ra sạt lở đất, người dân lo nhà bị sụp bất cứ lúc nào, nhất là những hộ dân sinh sống ven biển vì sóng đánh vào đến nền nhà. Khi xuất hiện sóng, nước biển dâng, dù ngày hay đêm, những hộ sống cặp mé biển phải chạy ra ngoài, không dám ở trong nhà vì sợ nguy hiểm tính mạng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, huyện có bờ biển dài khoảng 37km. Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng 27km kè và đang thi công 5km. Hệ thống kè này đã góp phần ngặn chặn tình trạng sạt lở nghiêm trọng như trước đây, gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn, ổn định sinh kế của người dân.
Hiện nay, địa bàn huyện còn 5km đoạn từ Xẻo Bần đến Xẻo Quao giáp với huyện An Biên cần xây dựng để hoàn thiện đồng bộ hệ thống kè phòng, chống, ngăn ngừa sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Kiên Giang tiếp tục tập trung các nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025 xử lý toàn bộ khu vực sạt lở trọng yếu trên toàn tuyến bờ biển. Đối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện 90% số lượng công trình đề xuất đầu tư. Qua đó, cơ bản khắc phục sự cố sạt lở ven biển ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và rừng phòng hộ ven biển, nhất là rừng ngập mặn bảo vệ trực tiếp đê biển.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Kiên Giang đầu tư xây dựng khoảng 18 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, với tổng kinh phí hơn 2.450 tỷ đồng.
Kiên Giang đã và đang trồng mới, phục hồi khoảng 645ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển thuộc các dự án kè chắn sóng, gây bồi, tạo bãi ven Biển Tây.
Bài và ảnh: LÊ HUY HẢI
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: