26/08/2020 18:59
CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI
Theo đồng chí Trương Văn Minh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất, lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò quyết định cho phát triển kinh tế của huyện. Hòn Đất tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực. 5 năm qua, huyện chuyển 1.400ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm và trồng các loại cây có giá trị; xây dựng cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Trong chuyển đổi vật nuôi ở Hòn Đất, nuôi trồng thủy sản phát triển khá đa dạng theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, diện tích 7.330ha. Ở những nơi sản xuất kém hiệu quả của xã Thổ Sơn, người dân mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi tôm áp dụng khoa học, kỹ thuật đem lại hiệu quả cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ông Trịnh Hoàng Hải, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 150 con/m2 mang lại hiệu quả cao. Ông Hải đầu tư xây dựng khu nuôi gồm 1 hồ tròn ương giai đoạn 1 diện tích 200m2, 2 ao nuôi 1.000m2 và 800m2. Áp dụng công nghệ cao, xử lý tốt môi trường nước, sau 3 tháng nuôi tôm, ông Hải thu hoạch hơn 5 tấn tôm bán được 500 triệu đồng, lãi 200 triệu đồng. Năm 2018, toàn xã Thổ Sơn chỉ có 3 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, đến năm 2020 có đến 22 hộ nuôi tôm siêu thâm canh.
Chuyển đổi cây trồng, Hòn Đất đã hình thành được mô hình trồng rau tiên tiến, tưới vòi tự động, nhỏ giọt, trồng trong nhà lưới; sử dụng máy đa năng cày, bừa, lên liếp, bón phân, thu hoạch; sử dụng phân bón vi sinh, trồng chuối nuôi cấy mô… Tại xã Mỹ Thuận đã hình thành vùng chuyên canh rau màu được đầu tư đê bao khép kín diện tích 100ha. Trong vùng chuyên canh đã thành lập 1 tổ hợp tác sản xuất rau màu các loại. Ông Ngô Văn Mảnh, ngụ ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận sản xuất rau màu quanh năm nói: “Bình quân 1ha trồng rau màu, nếu được giá sẽ lời mỗi năm khoảng 70 triệu đồng, cao hơn nhiều so trồng lúa”.
Theo đồng chí Lê Văn Cứng - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thuận, nhiệm kỳ qua, xã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó chuyển đổi sang giống lúa chất lượng cao, hình thành vùng chuyên canh rau màu. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng xã nông thôn mới.
THU NHẬP 90 TRIỆU ĐỒNG/HA/NĂM
Hòn Đất là huyện dẫn đầu cả tỉnh Kiên Giang về sản lượng lúa. Toàn huyện có trên 95.000ha sản xuất nông nghiệp, chủ lực là cây lúa với diện tích dự kiến sản xuất năm 2020 là 156.000ha, sản lượng 955.200 tấn.
Xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hình thành được vùng chuyên canh rau màu. Nông dân trồng rau màu cho lợi nhuận cao hơn so trồng lúa.
Đồng chí Lê Văn Giàu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòn Đất cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp huyện theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm”.
Qua triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích của huyện Hòn Đất đạt 90 triệu đồng/ha/năm, tăng 25 triệu đồng so năm 2015. Tình hình sản xuất rau màu và cây công nghiệp có bước phát triển, chăn nuôi tương đối ổn định với một số mô hình hiệu quả như nuôi gà thịt, nuôi dê sinh sản, nuôi ếch, nuôi bò vỗ béo..., trong đó mô hình nuôi chim yến phát triển khá nhanh, hiệu quả kinh tế cao.
Ngành nông nghiệp huyện chuyển dịch đúng hướng, tình hình liên kết hợp tác sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Huyện mời gọi được trên 20 công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với diện tích tiêu thụ bình quân hàng năm từ 34.000 - 50.000ha, chiếm khoảng 30% diện tích gieo sạ.
Hòn Đất tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Huyện xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 762ha của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, phun xịt thuốc bằng máy bay điều khiển; ứng dụng công nghệ canh tác thông minh 320ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm (Lình Huỳnh).
Trên địa bàn huyện Hòn Đất đã xây dựng nhãn hiệu tập thể bí rợ Vàm Răng, 4 mô hình được chứng nhận VietGAP gồm: Tôm - lúa xã Bình Giang, xoài cát Hòa Lộc xã Thổ Sơn, lúa ở xã Nam Thái Sơn, lúa ở xã Bình Giang… Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản của huyện, tăng thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: