12/09/2022 13:55
Sau 17 năm phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn trái, gia đình ông Nguyễn Văn Tân, ngụ ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã có vườn cây trĩu quả. Đất đai, thổ nhưỡng ở xã Ngọc Hòa thích hợp với cây măng cụt, sầu riêng, cam, chanh. Mảnh vườn được bàn tay nông dân chăm bón đã cho trái ngon.
Người dân nơi đây tin vào định hướng của các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc chuyển đổi lối canh tác từ vô cơ sang hữu cơ, giúp tăng sức bền cho cây và cho trái chất lượng. Ông Tân nói: “Qua tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chức năng, nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Tân, nhiều hộ dân tại 2 xã Ngọc Hòa, Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng học hỏi và phát triển theo. Hiện diện tích vườn cây ăn trái của huyện ven tuyến sông Cái Bé tăng lên gần 1.500ha.
Tận dụng lợi thế sẵn có, các cấp, ngành vận động người dân hợp tác sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Các cấp, ngành còn tạo điều kiện để người dân được vay vốn, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu và quảng bá thương hiệu, góp phần giảm chi phí sản xuất cho người trồng cây và dần phát triển du lịch sinh thái.
Ông Lê Văn Việt, ngụ ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa cho biết: “Chính quyền các cấp vận động nông dân kết hợp vườn cây ăn trái với làm du lịch sinh thái bước đầu cho hiệu quả khá tốt. Tôi thấy hài lòng với mô hình này”.
Để thực hiện thành công mô hình trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, các hộ trồng cây thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Nhờ vậy, trái cây Giồng Riềng luôn đạt năng suất, chất lượng cao.
Với không gian xanh, sạch, thoáng mát, một số nhà vườn mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch sinh thái, giúp thu nhập từng bước tăng lên. Anh Lê Văn Út, ngụ ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa nói: “Mô hình du lịch sinh thái phát triển hơn lúc trước, thu hút nhiều khách đến tham quan và thưởng thức các món ăn đồng quê”.
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đến khảo sát tại vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái thuộc xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: HOÀI NAM
Mặc dù bước đầu có tín hiệu tốt, song hiện du lịch sinh thái tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) còn mang tính nhỏ lẻ, chưa tận dụng triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do vậy, mới đây Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang khảo sát, tiến hành xây dựng, kết nối các tour, tuyến nhằm quảng bá du lịch sinh thái vườn của địa phương.
Huyện Giồng Riềng phối hợp các ngành tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo bàn về định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch; đưa các sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn của địa phương với các sản phẩm OCOP đặc thù vào kế hoạch quy hoạch phát triển ngành du lịch Kiên Giang.
Đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Huyện quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, vận động nông dân sản xuất hướng hữu cơ, VietGAP và tập huấn kỹ năng thực hiện du lịch, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái theo hướng bền vững”.
Với nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Giồng Riềng hy vọng người dân tích cực duy trì và phát triển bền vững vùng cây ăn trái an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch sinh thái đặc trưng của vùng. Từ đó, giúp nhà vườn nâng cao thu nhập và có nhiều đóng góp tích cực xây dựng quê hương Giồng Riềng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
TRÚC LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: