25/11/2024 19:38
Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ nông dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
TIẾP SỨC BUỔI ĐẦU
1 vụ tôm, 1 vụ lúa tại các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) được đánh giá là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, biến điều kiện bất lợi từ hạn, mặn thành lợi thế giúp nông dân phát triển kinh tế. Ông Danh Mẫm, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên) kể: “Trước thời điểm chuyển dịch, nông dân làm 2 vụ lúa rất bấp bênh, nhiều năm trúng mùa thì giá lúa thấp, có khi 3kg lúa chỉ bán được 10.000 đồng. Đỉnh điểm mùa khô năm 2016, nhiều hộ làm 2 vụ lúa trắng tay vì mặn lấn sâu vào nội đồng”.
Bài toán đặt ra là phải tìm một mô hình mới giúp nông dân các huyện ven biển vùng U Minh Thượng phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở tổng kết những mô hình điểm thích ứng với hạn, mặn, chủ trương chung của tỉnh là thực hiện chuyển dịch một phần khu vực trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa.
“Khi mới chuyển dịch, phần lớn nông dân thiếu vốn đầu tư. Mô hình mới, nông dân chưa có kiến thức cơ bản về kỹ thuật xử lý, cải tạo vuông nuôi, đất đai còn nhiễm phèn và độc chất tồn lưu do canh tác lúa trong nhiều năm. Nhiều hộ thả tôm trong những vụ nuôi đầu gặp thiệt hại do tôm sú không đạt đầu con, tôm chết… dẫn đến không có lãi hoặc mất trắng. Một số hộ dân nản lòng, thậm chí nghi ngờ tính hiệu quả của mô hình”, ông Danh Mẫm kể.
Nông dân xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa.
Trước những khó khăn đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp nông dân xử lý đất phèn, khử chất độc tồn lưu trong đất và cách chăm sóc tôm trong suốt vụ nuôi. Ngoài ra, các cấp hội nông dân còn tăng cường cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho nông dân vay vốn, kèm hỗ trợ kiến thức giúp dân từng bước vượt qua khó khăn. Nhờ kịp thời hỗ trợ kiến thức mới, cùng với sự cần cù, chịu khó của nông dân, mô hình chuyển dịch canh tác 1 vụ tôm, 1 vụ lúa dần phát huy hiệu quả.
Từ 1,5ha ruộng nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, gia đình ông Trần Văn Quân, ngụ ấp Kinh IB, xã Đông Yên vươn lên khá giả. Ông Quân nói: “Khi mới nuôi tôm, do chưa biết cách nuôi nên 2 năm đầu thất bại, lỗ vốn. Tôi thiếu nợ, phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 60 triệu đồng, nhưng không có tiền trả nợ cứ đáo hạn hoài. Hết vốn, tôi đâm ra nản chí muốn bỏ cuộc”.
Năm 2019, Hội Nông dân xã Đông Yên mở lớp dạy nghề ngắn hạn nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Đăng ký tham gia lớp học, ông Quân nắm quy trình nuôi tôm từ cải tạo ao, chọn con giống chất lượng đến phương thức gây tạo thức ăn tự nhiên giúp con tôm khỏe mạnh, mau lớn. Ông Quân còn được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.
“Tôi chọn làm lại với mô hình nuôi tôm càng xanh, lần này còn thả thêm tôm sú và cua xanh. Tôi cải tạo ao bài bản, chọn con giống chất lượng, ương vèo tôm càng xanh 2 giai đoạn. Nhờ đó tôi trúng mùa liên tục, thu nhập trung bình 250 triệu đồng/năm từ tôm, lúa. 2 năm trúng mùa liên tục, tôi trả hết nợ ngân hàng. Vợ chồng tôi mừng lắm vì lần đầu tiên thấy sổ đỏ để ở nhà. Làm thêm 2 vụ tôm nữa, đến năm 2023 tôi cất được căn nhà hơn 700 triệu đồng”, ông Quân nói.
LÀM GIÀU
Với cách tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, thủ tục vay đơn giản, đảm bảo tiền vay bằng tín chấp, quỹ hỗ trợ nông dân kịp thời trợ vốn giúp nông dân thiếu vốn phát triển sản xuất, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn. Vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cùng đợt với ông Trần Văn Quân còn 7 hộ khác cùng thực hiện dự án nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Tất cả hộ vay đều được tập huấn khoa học, kỹ thuật nuôi tôm và áp dụng hiệu quả, nhiều hộ ăn nên làm ra, nhà cửa đề huề từ đó. Riêng xã Đông Yên, sau đợt hạn mặn năm 2016, có hơn 1.500ha lúa 2 vụ kém hiệu quả được nông dân chuyển sang mô hình 1 vụ tôm, 1 vụ lúa.
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh (bên phải) tham quan ruộng tôm càng xanh đang được thu hoạch của nông dân xã Đông Yên (An Biên).
Ông Phan Văn Mung, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên cho biết: “Khi mới nuôi tôm, tôi chưa biết gì cả, cứ tưởng múc vuông lên bờ bao thả nước mặn vào là nuôi. Thả giống được hơn 1 tháng thì vuông bị xì phèn, nước vuông chuyển màu đỏ ngầu, tôm chết hết. Trời nắng chang chang, tôi cứ đi lòng vòng trên bờ vuông như người bị điên vì tiếc của”.
Thất bại ban đầu thôi thúc ông Mung tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm, hễ ở đâu có hội thảo về tôm, lúa là ông xin tham dự. Không chỉ được vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 50 triệu đồng để đầu tư cải tạo ao nuôi, gia cố bờ bao và mua con giống, ông Mung còn được tập huấn quy trình sản xuất tôm, lúa an toàn. 5 năm trở lại đây, với hơn 2ha vuông canh tác 1 vụ tôm 1 vụ lúa, ông Mung thu về lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hận, ngụ ấp Cái Nước Ngọn cho biết: “7 năm qua, từ ngày chuyển 3ha canh tác lúa sang nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, mỗi vụ nuôi tôi đều bắt hơn 1 tấn tôm càng xanh, thu lãi từ 70-80 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình tôi thoát nghèo. Tôi vừa mua thêm được 8 công đất ruộng. Nhiều đêm nằm nghĩ lại, nếu không có con tôm, không có nguồn vốn của hội nông dân chắc dân xứ này còn nghèo hoài”.
Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh có 350.383 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động tại chỗ, giúp 2.184 hộ nông dân thoát nghèo. Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi còn tham gia đóng góp 3,5 tỷ đồng, 3.779 ngày công lao động, hỗ trợ giống, vật tư gần 7 tỷ đồng thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội.
“Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay với mức phí ưu đãi, tín chấp qua hội nông dân cơ sở đã kịp thời hỗ trợ hàng ngàn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với các chính sách khác, quỹ hỗ trợ nông dân góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh từ 4,73% năm 2013 xuống còn 1,28% năm 2023”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Thái Văn Phúc cho biết.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: