29/07/2020 08:06
CHI PHÍ THẤP, NĂNG SUẤT CAO
Khoảng 10 ngày nữa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2020. Phần lớn diện tích lúa đã được doanh nghiệp, thương lái chốt giá thu mua. Theo anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, năm nay chi phí sản xuất lúa chỉ 2 triệu đồng/công, giảm 1,5 triệu đồng/công so vụ hè thu 2019. Nhìn chung, người trồng lúa trúng mùa, ước năng suất 8 tấn/ha. Hợp tác xã không làm lúa vụ 3, thu hoạch lúa đông xuân xong, nông dân cày ải phơi đất nên diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang thu hoạch lúa hè thu.
Tại xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, những cánh đồng lúa chín vàng rực báo hiệu một mùa vụ bội thu. Đứng trên bờ ruộng, ông Vũ Hùng Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5B, xã Tân An nói: “Nhờ tăng cường cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên toàn bộ diện tích lúa hè thu của hợp tác xã đạt năng suất trên 6 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm. Do thu hoạch ngay thời điểm nắng tốt, đồng ruộng khô ráo, lúa ít bị đổ ngã nên khâu thu hoạch, vận chuyển bằng cơ giới thuận lợi, giảm thất thoát”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến ngày 22-7-2020, toàn tỉnh thu hoạch 98.992ha lúa hè thu 2020, chiếm 35% diện tích gieo trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao, Giang Thành và TP. Rạch Giá. Tại huyện Châu Thành, nơi có hơn 6.000ha lúa hè thu 2020 đã thu hoạch, nông dân nơi đây rất phấn khởi vì trúng mùa. Anh Lê Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hợp tác xã có 510ha lúa hè thu, hiện mới thu hoạch 50% diện tích. Vụ này lúa ít sâu bệnh, chi phí nhẹ. Trung bình năng suất lúa từ 700 - 800kg/công, bà con lợi nhuận từ 15 - 16 triệu đồng/ha”.
ĐƯỢC GIÁ
Thực tế nông dân Kiên Giang bán lúa hè thu 2020 cho doanh nghiệp và thương lái giá từ 5.400 - 5.800 đồng/kg, cao hơn 400 - 500 đồng/kg so vụ hè thu 2019. “Vụ hè thu này, hợp tác xã duy trì phương thức đấu thầu để chọn doanh nghiệp mua lúa với giá có lợi nhất cho nông dân. Doanh nghiệp đã chốt trước 10 ngày thu hoạch với giá 5.700 - 5.800 đồng/kg lúa Đài Thơm 8 và từ 5.400 - 5.500 đồng/kg lúa OM5451, cao hơn so giá bán ngoài hợp tác xã từ 100 - 150 đồng/kg. Ngoài ra, nhờ thu hoạch đồng loạt, cùng làm một loại giống, có ban giám đốc hợp tác xã chịu trách nhiệm thu mua nên doanh nghiệp rất an tâm khi liên kết, tránh được tình trạng bị cò lúa ép giá”, anh Lê Minh Hải cho biết thêm.
Các ghe thu mua lúa hè thu của Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Những ngày này, đi dọc theo các kênh huyện Tân Hiệp, dễ dàng thấy các ghe thu mua lúa xếp hàng dưới bờ kênh, trên bờ người dân khẩn trương cân lúa để kịp vận chuyển đi tiêu thụ. “Năm nay, hợp tác xã canh tác hai giống lúa KG35 và ST24 liên kết với 2 doanh nghiệp tiêu thụ, giá chốt từ tuần trước 5.500 đồng/kg đối với giống KG35, 7.000 đồng/kg đối với giống lúa ST24. Với giá này, nông dân lãi 18 - 25 triệu đồng/ha”, anh Nguyễn Văn Huỳnh nói.
Lúa trúng mùa, bán được giá và dễ tiêu thụ khiến bao vất vả trong 3 tháng của nông dân Kiên Giang như được đền đáp. So 10 ngày trước, giá lúa hiện tăng 150 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi. Ông Đinh Văn Hinh, ngụ ấp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vui vẻ cho biết: “Tôi vừa thu hoạch 3ha ruộng làm giống OM5451, bán lúa tươi ngay tại ruộng giá 5.200 đồng/kg, cao hơn 400 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019. Vụ này, lúa thu hoạch xong dễ bán hơn năm trước, trừ hết chi phí, tôi lãi 30 triệu đồng. Vừa bán xong, giá lúa tăng thêm 150 đồng/kg”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: