15/02/2025 08:33
Vụ hè thu năm 2024 là vụ lúa đầu tiên thực hiện dự án TRVC trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, với sự tham gia của 595 hộ nông dân, 3 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác và 6 doanh nghiệp với tổng diện tích đăng ký 3.203,16ha. Thông qua việc triển khai quy trình sản xuất lúa bền vững, lúa được canh tác đạt mức phát thải thấp hơn so với các thực hành thông thường.
Tại tỉnh Kiên Giang, về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận trung bình cho các nông hộ đạt được là 54%. Về hiệu quả môi trường, tổng lượng giảm phát thải là 12.532,10 tấn CO2 tương đương. Về hiệu quả xã hội, 100% doanh nghiệp tham gia thực hành lồng ghép các chính sách và thực hiện các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội trong chính nội tại doanh nghiệp và tại các chuỗi liên kết trong tỉnh.
Nông dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tham gia dự án TRVC thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2024.
Theo bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án TRVC Việt Nam, trong vụ đầu tiên áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp giảm hơn 27.000 tấn CO2. Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV đã trao thưởng 200.000 AUD, tương đương khoảng 3,2 tỷ đồng cho 8 doanh nghiệp tham gia dự án để ghi nhận những đóng góp quá trình chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo phát thải thấp của doanh nghiệp.
Những kết quả từ dự án đã đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo phát thải thấp và việc thực hiện mục tiêu của đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Xa hơn nữa, những nỗ lực của các doanh nghiệp tham gia dự án TRVC cũng góp phần trực tiếp vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu và phù hợp với mục tiêu quan trọng của thế giới về giới hạn 1,5°C; giảm 30% phát thải khí metan tới năm 2030 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26.
Vụ đông xuân năm 2024-2025, diện tích đăng ký tham gia dự án tăng gấp 3 lần so với vụ đầu tiên, đạt khoảng 10.940,5ha. Đây là dấu hiệu tích cực, phản ánh tiềm năng mở rộng mô hình và tính hiệu quả của dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC).
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Nông dân ở Kiên Giang đang hưởng lợi từ dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu, nhờ vào việc áp dụng các phương pháp sản xuất lúa bền vững, giảm phân bón và nước tưới. Thông qua việc thực hiện các tiêu chí giảm phát thải, nhiều nông dân (71 người) đã nhận được tiền thưởng, đồng thời cải thiện năng suất và lợi nhuận, góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Tổng số lượt truy cập: