17/02/2025 09:50
Lần đầu tiên được nhận tiền thưởng vì giảm lượng phân bón, giảm lượng nước tưới trong quá trình sản xuất lúa, ông Nguyễn Minh Cảnh (47 tuổi), ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước được thưởng 6,8 triệu đồng từ 8ha tham gia dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC). Dự án trên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku triển khai từ vụ hè thu năm 2024.
Ông Cảnh nói: “Tham gia dự án phải đạt được các tiêu chí về kiểm soát nước, giảm phân bón, giảm giống. Tính sơ bộ chi phí sản xuất thấp hơn khoảng 5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Nhờ chi phí đầu tư thấp, mô hình trồng lúa giảm giống 40%, phân bón 34% và tưới tiêu 13%, nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng/ha”.
Vợ chồng ông Nguyễn Minh Cảnh, ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước bên ruộng lúa đông xuân 2024-2025 canh tác theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính.
Duy trì quy trình sản xuất lúa giảm phát thải, vụ lúa đông xuân 2024-2025, gia đình ông Cảnh sản xuất giống lúa Nhật Hana và Hana CC với giá ký hợp đồng thu mua từ đầu vụ từ 9.600-9.800 đồng/kg. Theo ông Cảnh cũng như nhiều nông dân tham gia dự án TRVC, việc sản xuất giảm phát thải cũng không khó thực hiện nhờ có đội ngũ kỹ sư của công ty liên kết thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp như khuyến khích sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống và phân hóa học, áp dụng cách tưới ngập khô xen kẽ và sử dụng máy gặt đập liên hợp.
Ngoài ra, người dân còn được giới thiệu về công cụ số, phục vụ ghi chép số liệu, lưu dữ liệu và đánh giá kết quả canh tác lúa theo hướng phát thải thấp. Thông qua công cụ số này, nông dân sẽ hiểu rõ hơn về cách trồng lúa phát thải khí nhà kính theo từng mức độ khác nhau.
Ông Lê Văn Hải, ngụ ấp Phước Tân, xã Mỹ Phước có 27ha sản xuất lúa Nhật, trong đó có 20ha canh tác giống DS1, 7ha canh tác giống Hana. Với thâm niên 15 năm liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku sản xuất lúa Nhật, ông Hải nói: “Làm lúa Nhật giảm phát thải chỉ có lời ít, lời nhiều chứ không có lỗ”. Theo ông Hải, gia đình ông ký hợp đồng với công ty ngay từ đầu vụ với giá 7.500 đồng/kg đối với lúa DS1 và lúa Hana được 9.700 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Trải qua những thách thức ngày đầu đưa giống lúa Nhật về bén rễ trên đất phèn, khoảng 10 năm trở lại đây, ngoài đạt mức lợi nhuận bình quân 60 triệu đồng/ha/năm, ông Hải còn được công ty thưởng thêm 200 đồng/kg lúa nếu lúa đạt các tiêu chí quy định. Tháng 1-2025, ông Hải được công ty thưởng 5 triệu đồng nhờ giảm lượng nước trong quá trình canh tác lúa vụ hè thu 2024.
Ông Nguyễn Minh Cảnh (bìa phải) và cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ Phước bên ruộng lúa đông xuân 2024-2025 canh tác theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính chuẩn bị thu hoạch.
Dự án TRVC do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang thực hiện từ năm 2023-2027. Là 1 trong 10 doanh nghiệp được chọn tham gia thực hiện dự án, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku chọn 86 nông dân hai xã Mỹ Phước, Mỹ Hiệp Sơn và một số địa phương khác triển khai từ vụ hè thu 2024 với tổng diện tích 361ha.
Kết quả vụ đầu tiên được đơn vị kiểm định độc lập Regrow Ag công bố giảm được 1.747 tấn carbon. Kết quả giảm phát thải tại ruộng lúa của các hộ dân chủ yếu nhờ vào việc giảm sử dụng phân đạm, giảm đốt rơm và áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.
Tháng 1-2025, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Agrimex-Kitoku dành toàn bộ số tiền nhận giải thưởng từ dự án khoảng 9.281 đô la Úc, tương đương 147 triệu đồng trao thưởng cho nông dân trong dự án để tiếp tục duy trì, phát triển dự án trong thời gian tiếp theo.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước Đồng Thị Thu cho biết: “Các hộ nông dân liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku đã 15 năm nay và không hề có chuyện bẻ kèo khi giá thị trường tăng, giảm. Lợi ích của nông dân cũng là lợi ích của doanh nghiệp, nông dân khấm khá doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, sự chia sẻ chân thành nghĩa vụ và quyền lợi là chất keo kết dính của mối liên kết nông dân - doanh nghiệp”.
Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong việc triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là việc bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị đối phó với nguy cơ cháy rừng trong mùa khô 2025.
Tổng số lượt truy cập: