02/11/2023 14:08
Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Hàng năm mực nước đỉnh lũ thấp dần. Năm nay, cơ quan khí tượng, thủy văn nhận định lũ nhỏ diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2023.
THẤT THU VÌ LŨ THẤP
Tại Kiên Giang, từ tháng 9-2023, mực nước các trạm nội đồng lên nhanh, cao nhất vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11-2023. Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12, mực nước tại các trạm đầu nguồn bắt đầu xuống nhanh.
Nến như thời gian này năm 2022 tại nhiều địa phương như Hòn Đất, Giồng Riềng, Tân Hiệp, nước lũ đã tràn đồng, thì năm nay nhiều cánh đồng nước lũ rất thấp. Lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản giảm, người lao động mưu sinh trong mùa nước nổi thất thu.
Hơn 1 tháng qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thưng, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thức đêm bơi xuồng xa hàng chục cánh đồng tìm chỗ nước lớn để đặt dớn, giăng lưới. Nhưng đến rạng sáng, vợ chồng bà Thưng chỉ thu được 7-8kg cá các loại, phần lớn cá nhỏ, chủ yếu bán cho cơ sở làm mắm.
Bà Thưng nói: “Bây giờ cuối tháng 10 nhưng nước trên cánh đồng chỉ khoảng 4-5 tấc, có nơi chỉ đến mắt cá chân. Năm nay thất thu, hôm nào trúng lắm được 200.000-300.000 đồng, có hôm thu nhập chưa được 100.000 đồng. Vợ chồng tôi tranh thủ làm thêm vài ngày đến khi lũ rút, người ta sạ lúa thì đi làm thuê”.
Nông dân ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cày, trục đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân 2023-2024.
Anh Trần Văn Tài, ngụ ấp Số 8, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, nói: “Vợ chồng tôi không có ruộng đất, làm thuê sống qua ngày. Mỗi năm đến mùa nước nổi, tôi đi đẩy côn, cắm câu... trang trải cuộc sống. Năm nay nước lũ thấp, lượng cá bắt được giảm hơn 50% so năm trước. Trước đây, tôi bắt được từ 13-15kg cá/ngày, bây giờ chỉ từ 5-7kg/ngày”.
Những hoạt động làng nghề theo mùa lũ như làm lợp cua, đóng xuồng, đan lưới, vót câu… cũng ế ẩm.
Ông Trần Văn Nhân - chủ cơ sở ngư lưới cụ tại chợ cầu Số 2, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất cho biết: “Lũ thấp, cá, tôm ngày càng ít, số lượng người đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi giảm đáng kể nên nhu cầu mua lưới chỉ bằng 1/3 so các năm trước”.
GIEO SẠ SỚM NÉ HẠN, MẶN
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang Lê Xuân Hiền cho biết vụ lúa đông xuân 2023-2024 nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lũ thấp, mưa kết thúc sớm và rất ít mưa trái mùa, hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024, dự báo tình hình mặn xâm nhập sẽ diễn ra sớm và vào sâu nội đồng, nguy cơ thiếu nước ngọt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang xây dựng lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân.
Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo đối với những khu vực ngập lũ không sâu và lũ rút sớm tại các huyện Hòn Đất, Gò Quao, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Giang Thành, nông dân có thể gieo sạ sớm từ ngày 23-10 đến 5-11.
Đợt 2 gieo sạ từ ngày 10 đến 25-11, đây là đợt gieo sạ tập trung phần lớn diện tích vụ lúa đông xuân toàn tỉnh.
Đợt 3 bắt đầu từ ngày 5 đến 22-12 đối với phần diện tích còn lại của các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương và TP. Rạch Giá.
Nông dân không xuống giống từ cuối tháng 12-2023 trở về sau để tránh tình trạng thiếu nước vào cuối vụ sản xuất.
Vụ lúa đông xuân 2023-2024, Kiên Giang dự kiến xuống giống khoảng 281.000ha. Năm nay lũ nhỏ, nước rút nhanh, người dân chỉ cần cày, trục, làm đất, vệ sinh đồng ruộng.
Ông Nguyễn Tiến Viết, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, chia sẻ: “Sau gần 2 tháng đưa nước lũ vào đồng để lấy phù sa, hiện nước rút nhanh, tôi bắt đầu cày xới, trục đất, diệt ốc, trang phẳng mặt ruộng, chuẩn bị lúa giống, phân bón, dự kiến khoảng 20 ngày sẽ tiến hành gieo sạ theo đúng khuyến cáo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp...”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết việc gieo sạ sớm trong tháng 10 như khuyến cáo của lịch thời vụ giúp nông dân tận dụng nguồn nước cho sản xuất, không bị hạn vào cuối vụ, nhất là khu vực ven biển, vùng có nguy cơ bị thiệt hại do hạn, mặn.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch gieo sạ phù hợp từng tiểu vùng đảm bảo tập trung, đồng loạt, né rầy; chủ động các biện pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập tại địa phương vào giai đoạn cuối vụ.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: