07/09/2023 10:12
Xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương có tổng số 42 đảo lớn nhỏ, thuộc quần đảo Bà Lụa huyện Kiên Lương. Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp xã đảo Sơn Hải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trọng tâm là khai thác thủy sản xa bờ, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nuôi cá lồng bè. Vùng biển rộng lớn, xã Sơn Hải có đội tàu thuyền hoạt động khai thác, đánh bắt phát triển mạnh, với hơn 200 tàu.
Để phục vụ hoạt động đánh bắt thủy sản trên địa bàn xã, người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi nhận đan vá lưới cho các tàu đánh cá. Ban đầu chỉ có vài hộ làm nghề này, nhưng do nhu cầu đánh bắt ngày càng tăng lên, các hộ dân cùng chia sẻ, dạy nghề lẫn nhau, truyền nghề lại cho con cháu trong gia đình, từ đó hình thành nên nghề đan vá lưới.
Người dân ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) gia công lưới ghẹ.
Ông Trần Văn Cam, sinh năm 1963, ngụ tổ 2, ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương cho biết: “Nghề đan vá lưới trên địa bàn xã Sơn Hải hình thành từ lâu. Các hộ dân nơi đây cũng không nhớ chính xác thời gian nghề được hình thành. Tôi chỉ biết rằng ngay từ lúc còn nhỏ đã thấy cha tôi là ông Trần Văn Tú, sinh năm 1930 đã bắt đầu làm nghề vào năm 1965, rồi truyền lại cho con cháu gìn giữ, phát triển đến ngày nay”.
Hiện trên địa bàn xã có 136 hộ làm nghề đan vá lưới, tạo việc làm thường xuyên cho 272 lao động, thu nhập bình quân dao động từ 130.000 - 180.000 đồng/ngày/người.
Ông Lê Hải Việt, ngụ ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải nói: “Nghề này người già hay trẻ nhỏ chỉ cần chịu khó, chăm chỉ đều có thể làm được. Bởi vì nghề không đòi hỏi kỹ thuật cao, quan trọng nhất là phải đan đều mắt lưới và chặt nút cho tấm lưới chắc chắn mới phát huy hiệu quả khai thác ngoài biển. Ở đây, các hộ dân ngoài việc nhận sửa chữa, vá lưới còn gia công lưới mới. Để hoàn thiện một tấm lưới mới phải mất 2 ngày với các công đoạn như cắt nẹn hai đầu, ráp phao, dập chì và vào lưới. Ở mỗi công đoạn sẽ có từng thành viên thực hiện và làm hoàn toàn bằng thủ công”.
Chị Phạm Thị Luyến, ngụ ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải chia sẻ: “Việc này không chỉ có dân địa phương thực hiện mà còn thu hút cả lực lượng lao động từ đất liền ra đảo. Thời gian qua, nghề đang được nhân rộng qua các ấp Hòn Ngang và các đảo nhỏ khác của xã. Tuy nhiên, để mở rộng nghề này, người dân rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn mua máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu... Do thiếu vốn nên đa số bà con chỉ nhận gia công, chưa có vốn để sản xuất thành sản phẩm hàng loạt cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải Dương Văn Danh, vừa qua, Hội đồng xét duyệt, công nhận làng nghề tỉnh Kiên Giang năm 2023 đã thẩm định thông qua và đề nghị UBND tỉnh công nhận nghề đan vá lưới xã Sơn Hải là làng nghề của tỉnh.
Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các hộ dân theo nghề được hỗ trợ duy trì, phát triển nghề, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hoạt động khuyến công, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển nghề bền vững, mở rộng vùng sản xuất, tiêu thụ, người dân có thu nhập ổn định hơn và có thể gắn kết với việc phát triển du lịch của địa phương thông qua các hoạt động tham quan trải nghiệm làng nghề truyền thống của người dân bản địa.
Bài và ảnh: GIA BẢO - HUỲNH AN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: