16/02/2024 07:05
Bà Thị Tư (83 tuổi), ngụ ấp Hòa Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao kể: “Sau giải phóng 4 năm, gia đình tôi phá vườn tạp để làm ruộng. Thấy làm ruộng không đủ ăn vì đất nhiễm phèn mặn nặng, gia đình chuyển sang trồng khóm từ năm 1980. Với 9 công khóm, gia đình tôi mới khấm khá hơn”.
Nằm dọc hai con sông Cái Lớn và Cái Bé, phần lớn diện tích đất của xã Thới Quản nhiễm phèn, mặn, dễ bị ngập úng khi triều cường. Các ấp nằm ở khu vực phía bắc giáp huyện Châu Thành (Kiên Giang) trước đây nông dân chủ yếu trồng lúa 2 vụ/năm nhưng hiệu quả bấp bênh. Từ đó, cấp ủy, chính quyền xã Thới Quản xác định, để nâng cao đời sống người dân nhất định phải quy hoạch lại vùng sản xuất, trong đó khuyến khích người dân các ấp ven sông Cái Bé chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng khóm.
Bà Thị Tư (bìa trái) phấn khởi vì khóm Cái Bé được cấp mã vùng trồng và sắp được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.
Nhận thấy hiệu quả từ những người đi trước, cùng với chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân ấp Hòa Bình dần chuyển đổi. Phong trào lên liếp, đào mương kết hợp với bờ bao ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ trồng khóm rộ lên từ đó. Do khóm hợp thổ nhưỡng phèn, mặn nên chất lượng thơm ngon, trái to, giữ được lâu trong điều kiện tự nhiên.
Theo những người dân cố cựu xã Thới Quản, huyện Gò Quao thương lái các nơi về đây thu mua gọi khóm ở đây là khóm Cái Bé để phân biệt với khóm các nơi khác.
Theo kỹ sư Lưu Hòa Tươi - cán bộ Tổ Nghiệp vụ xã Thới Quản, cây khóm người dân ở xã trồng là giống Queen, được người dân tự nhân giống, lưu tồn giống qua hàng chục năm. Trái khóm có ngoại hình cân đối, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, khi chín thịt màu vàng sậm, ăn giòn và ngọt. Khoảng năm 1990, nhận thấy cau và dừa có giá, người dân trồng khóm trong xã Thới Quản bắt đầu trồng xen thêm cau, dừa, hình thành những rẫy khóm với 3 tầng sinh thái khóm - cau - dừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Dù là lúc khóm có giá cao từ 10.000-12.000 đồng/trái hay lúc rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/trái người dân ấp Hòa Bình vẫn kiên trì trồng khóm. Nhờ giữ vững diện tích khóm, bình quân mỗi hộ có mức lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng/ha/năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao (Kiên Giang), Thới Quản là một trong những xã có diện tích khóm lớn của huyện với 287ha. Xã đã thành lập Tổ hợp tác khóm Hòa Bình có 10 thành viên với tổng diện tích trên 10ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, đang chờ công nhận đạt tiêu chuẩn tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2023, khóm Cái Bé được tỉnh Kiên Giang chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với sản phẩm.
Anh Lê Văn Thơm (bên trái) - Tổ trưởng Tổ hợp tác khóm Hòa Bình cho biết cận tết khóm có giá 10.000 đồng/kg, anh bán được 1.400 trái, thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Anh Lê Văn Thơm - Tổ trưởng Tổ hợp tác khóm Hòa Bình cho biết, từ chỗ làm ăn riêng lẻ, mỗi nhà mỗi kiểu canh tác, các hộ trồng khóm sau khi tham gia tổ hợp tác được ngành chuyên môn tập huấn sản xuất theo hướng VietGAP, được giám sát chặt chẽ về kỹ thuật cũng như đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gia đình chị Tôn Thị Lắm - thành viên Tổ hợp tác khóm Hòa Bình giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. “Khóm Cái Bé của tổ hợp tác có chi phí đầu tư thấp vì trồng 1 lần là ăn hoài, chỉ bụi nào ăn xong trái thì xắn bỏ cho cây nhỏ phát triển. Chi phí phân bón khá thấp, gần như không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Với hơn 3ha khóm - cau - dừa, gia đình thu về hơn 250 triệu đồng/năm”, chị Lắm cho biết.
Khóm Cái Bé của Tổ hợp tác khóm Hòa Bình được cấp mã vùng trồng cuối năm 2023. Cũng từ đó, các thành viên dần thay đổi thói quen sản xuất theo hướng tốt hơn vì ý thức được mỗi hộ phải chịu trách nhiệm với trái khóm mình làm ra từ lúc trồng trọt cho tới tiêu thụ.
Tổ trưởng Tổ hợp tác khóm Hòa Bình Lê Văn Thơm nói: “Thời gian tới, mong chính quyền, đoàn thể các cấp hỗ trợ tổ liên kết được doanh nghiệp tiêu thụ ổn định với giá cao, tránh tình trạng bị đánh đồng với khóm ở các nơi khác. Đồng thời, kiến nghị ngành khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật trị bị bệnh cháy lá cho cây khóm hiệu quả để người dân an tâm sản xuất”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: