06/11/2022 09:37
Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang nhận định tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2022-2023 tại khu vực Kiên Giang có xu hướng ở mức tương đương so trung bình nhiều năm và không quá gay gắt.
Tuy nhiên, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vẫn đe dọa sản xuất vụ mùa và đông xuân 2022-2023, nước sinh hoạt của nhân dân. Qua khảo sát mùa khô 2022-2023, toàn tỉnh Kiên Giang dự kiến có khoảng 30.205 hộ dân có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt.
Để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang sẽ vận hành hệ thống cống trên địa bàn TP. Rạch Giá, ven sông Cái Bé để ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho hồ Tà Tây (TP. Rạch Giá); vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước Kiên Lương.
Cùng với đó, vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước Hà Tiên; chủ động tích nước an toàn vào các hồ chức Dương Đông, Bãi Nhà, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo vào mùa khô.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cấp nước cho người dân trong mùa khô.
Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, các địa phương trong tỉnh Kiên Giang dự kiến đắp 119 đập tạm. Trong đó có 2 đập lớn bằng cừ thép larsen, 117 đập đất (đắp mới 67 đập, gia cố 50 đập cũ) và sửa chữa, cải tạo 8 phai cống ngăn mặn. Tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Các địa phương hoàn thành việc đắp đập ngăn mặn trước ngày 15-12-2022.
Cống Cái Lớn vận hành giúp bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân Kiên Giang trong mùa khô.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô đảm bảo yêu cầu sản xuất vụ mùa và đông xuân 2022-2023.
Bên cạnh các giải pháp công trình, để bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô 2022-2023, các doanh nghiệp và nhân dân cần có giải pháp dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa, không để bị động bất ngờ.
Các địa phương triển khai gieo sạ lúa đông xuân sớm hơn, sử dụng các giống ngắn ngày nhằm giảm áp lực thiếu nước vào giai đoạn giữa đến cuối vụ khi hạn mặn kéo dài gay gắt. Hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong điều kiện hạn chế nước tưới, kiểm tra chất lượng nước trước bơm.
Trường hợp nước đầu nguồn đổ về đồng bằng thấp trong thời gian dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: