13/08/2022 15:44
TẤM VÉ CHO NÔNG SẢN XUẤT NGOẠI
Đồng chí Trần Quang Giàu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phải áp dụng những quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật. Vì vậy, xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện đúng các quy định của các nước nhập khẩu.
Theo đồng chí Giàu, việc xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ không thực hiện được nếu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan không tuân thủ các quy định tại tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV (quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng) và TCCS 775:2020/BVTV (quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói) của Cục Bảo vệ thực vật. Do đó, mã số vùng trồng chính là chìa khóa mở cửa cho nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Đô - Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: “Hiện nay, các thị trường lớn nước ngoài đều đã mở cửa, nhưng không có mã số vùng trồng thì xoài đạt các tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng cũng không thể xuất khẩu được. Thời gian qua, sản phẩm xoài của nông dân tại đây chủ yếu bán cho thị trường trong nước mặc dù xoài đạt chứng nhận VietGAP. Mới đây, xã Thổ Sơn có hơn 300ha trồng xoài cát Hòa Lộc đã được cấp mã số vùng trồng. Đây là lợi thế giúp nông dân trong hợp tác xã có thể đưa xoài xuất khẩu trong tương lai”.
Năm 2021, Kiên Giang thực hiện cấp 3 mã số vùng trồng gồm 2 mã số vùng trồng trên xoài tại xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng), xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) tổng diện tích 383ha, sản lượng 3.500 tấn; 1 mã số vùng trồng chuối tại xã Minh Thuận và An Minh Bắc với diện tích 2.434ha, sản lượng cung ứng 39.000 tấn. Thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
Ông Lý Văn Tình - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bao trái cho bưởi.
Gần đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang thực hiện cấp mã số vùng trồng đối với bưởi năm roi và bưởi da xanh tại 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, với diện tích 20ha. Hơn 300 tấn bưởi năm roi đã được Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP Hậu Giang thu mua, xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Nông dân trồng bưởi tại huyện U Minh Thượng rất phấn khởi vì có đầu ra ổn định.
Ông Lý Văn Tình - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp An Minh Bắc chia sẻ: “Việc cấp mã số vùng trồng có vai trò quan trọng đối với hợp tác xã khi muốn bán trái cây cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mọi quy trình chăm sóc, bón phân, xịt thuốc đều được ghi chép sổ tay đầy đủ, rõ ràng. Nông dân trong hợp tác xã rất nghiêm túc thực hiện, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cây ăn trái, việc bán nông sản được dễ dàng, ổn định”.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Hiện tại, đa số nông dân vẫn chưa hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng. Một số người dân vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình đăng ký xây dựng mã số vùng trồng. Những thông tin, kiến thức, quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định tại tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV và TCCS 775:2020/BVTV cho các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa được thông tin, tuyên truyền rộng rãi.
Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng chỉ mới thực hiện trên một số loại cây ăn trái chủ lực phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Các cây trồng khác như lúa và rau màu chưa có quy định về cấp mã số vùng trồng, gây khó cho việc xuất khẩu.
Đồng chí Trần Quang Giàu cho biết, để công tác cấp mã số vùng trồng đi vào thực chất, đạt hiệu quả hơn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân sản xuất cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp mới mã số vùng trồng, ưu tiên đối với những cây trồng đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP để phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp cho chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương thực hiện quản lý về cấp mã số vùng trồng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký làm thủ tục cấp mã số vùng trồng. Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang phối hợp ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp về những quy định, hồ sơ thủ tục về cấp mã số vùng trồng theo quy định.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng, giúp người dân nhận được tầm quan trọng của việc thực hiện cấp mã số vùng trồng trong việc xuất khẩu nông sản. Từ đó, thực hiện tốt các quy định về quản lý dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Năm 2022, Kiên Giang dự kiến cấp mới 35 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái như xoài, khóm, chuối, sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm, bưởi tại các huyện Châu Thành, U Minh Thượng, Gò Quao, Giồng Riềng, Giang Thành và TP. Phú Quốc. Tỉnh vừa được Cục Bảo vệ thực vật thí điểm áp dụng cấp mã số vùng trồng trên cây lúa và rau màu. Theo đó, đối với nhóm cây rau màu, tỉnh dự kiến cấp mới 21 mã số vùng trồng cho khoai môn, khoai lang, gừng, dưa hoàng kim. Đối với nhóm cây công nghiệp sẽ cấp mới 7 mã số vùng trồng cho cây tiêu và cây sim. Đối với cây lúa, dự kiến thí điểm thực hiện mã số vùng trồng và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 500 mã số vùng trồng. |
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: