15/08/2023 14:35
Hơn 20 năm trước, đất trồng lúa ở các xã ven biển trên địa bàn huyện An Biên bị ảnh hưởng mặn xâm nhập nên năng suất thấp. Năm 2003, huyện bắt đầu có chủ trương quy hoạch tiểu vùng chuyên canh tôm - lúa; khuyến khích người dân nuôi tôm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, còn cây lúa canh tác theo hướng hữu cơ.
Những tưởng tôm sống trong môi trường nước mặn, lúa ở môi trường nước ngọt không thể chung sống hòa hợp với nhau, thế nhưng 2 hệ sinh thái này hỗ trợ nhau từng bước tạo dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch giúp đem về nguồn thu nhập tốt cho nông dân.
Nông dân xã Tây Yên A thu hoạch tôm.
Là người đầu tiên ở ấp Rẫy Mới, xã Tây Yên A chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm, kinh tế ông Trần Văn Sáu (65 tuổi) nay đã khấm khá. Từ 2 công đất làm vốn, hiện ông có hơn 80 công đất. Ông Sáu chia 40 công đất cho các con, còn hơn 40 công ông để canh tác.
Ông Sáu kể: “Trước đây chỉ trồng lúa, quá trình canh tác phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chi phí khá cao mà thường xuyên mất mùa, mất giá nên kinh tế bấp bênh. Từ khi chuyển sang một vụ lúa, một vụ tôm, gia đình tôi khá giả hơn. Mỗi năm tôi thu lợi nhuận từ mô hình lúa - tôm hơn 80 triệu đồng/ha. Từ khi làm giống lúa thơm ST24, ST25, nuôi tôm theo hướng sạch, an toàn thu nhập của gia đình càng tăng”.
Cũng giàu lên từ mô hình lúa - tôm, anh Lương Hoàng Sang, ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A cho rằng mô hình này hiệu quả cao hơn so 2 vụ lúa, giúp nông dân có kinh tế ổn định và thời gian nhàn rỗi nhiều hơn. Làm một vụ lúa, một vụ tôm, lúa được trồng theo hướng bón phân hữu cơ để giữ cho đất sạch phục vụ việc nuôi tôm. Sau khi thu hoạch lúa, gốc rơm rạ còn lại sẽ là nguồn hữu cơ rất tốt giúp cải tạo đất để nuôi tôm.
Những năm gần đây, người dân trồng giống lúa thơm ST24, ST25 trên nền đất tôm đạt hiệu quả cao, nhờ vậy thương hiệu lúa thơm, tôm sạch được xây dựng, giúp ổn định đầu ra, nâng cao giá thành. “Năm 2022, giống lúa ST24 bán giá 8.000 đồng/kg, với 2ha đất trồng lúa, tôi thu lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Còn vụ tôm cho năng suất hơn 700kg/ha, tôi lời khoảng 50 triệu đồng/ha, chưa tính lợi nhuận từ cua”, anh Sang nói.
Theo đồng chí Tô Thanh Đoàn - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, từ năm 2020 đến nay, huyện đã chuyển đổi 1.354ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm, nâng tổng diện tích lúa - tôm lên 21.570ha.
Đến nay, toàn huyện có 25.526ha diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt (chiếm 98%); 939ha diện tích sản xuất mô hình lúa, tôm, cua, sò theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP... Lúa - tôm là mô hình được đánh giá hiệu quả và bền vững, với lợi nhuận khá cao mô hình này đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
“Thời gian tới, An Biên tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình tôm - lúa. Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hạ tầng thủy lợi; đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, gắn với phòng, chống dịch bệnh tổng hợp trên cây trồng, vật nuôi. Huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm”, đồng chí Tô Thanh Đoàn cho biết.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: