23/06/2020 14:33
Vụ hè thu năm 2020, huyện Kiên Lương dự kiến xuống giống 23.000ha. Đến nay, nông dân các xã, thị trấn xuống giống 20.850ha, chủ yếu tập trung tại các xã phía bắc quốc lộ 80 gồm xã Hòa Điền, một phần của xã Kiên Bình. Còn lại diện tích phía nam quốc lộ 80 gồm một phần xã Kiên Bình, xã Bình Trị, thị trấn Kiên Lương dự kiến xuống giống dứt điểm cuối tháng 6-2020.
Thời gian vừa qua, mực nước trên địa bàn huyện tương đối thấp so mực nước đầu nguồn. Từ đầu tháng 5 đến nay, một số diện tích lúa hè thu mới xuống giống của người dân gặp tình trạng ngộ độc phèn, thiệt hại trên 350ha, tập trung tại hai xã Hòa Điền và Kiên Bình. Theo Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, do ảnh hưởng thời tiết, đầu vụ nắng nóng kéo dài, có những lúc nhiệt độ lên đến 36 - 380C, thêm mực nước nội đồng xuống thấp dẫn đến phần diện tích lúa mới gieo sạ của nông dân bị ngộ độc phèn, chết. Hầu hết ruộng lúa bị thiệt hại đều có mặt bằng ruộng thấp hơn các ruộng trong cùng khu vực nên khi bơm nước vào độc chất phèn tập trung xuống nơi thấp, dẫn đến lúa bị chết.
Hiện phần diện tích lúa bị ngộ độc phèn được nông dân cày, sạ lại. Đa số phát triển tốt nhưng còn một phần diện tích lúa vẫn bị ngộ độc phèn trở lại đối với những phần đất than bùn, mực nước nội đồng thấp, người dân sạ từ 2 - 3 lần vẫn bị thiệt hại. Ông Trần Văn Lai, ngụ ấp Tân Điền, xã Hòa Điền cho biết: “Từ đầu vụ tới nay, tôi sạ lại 3 lần tốn gần 10 tấn lúa giống chưa kể chi phí cày, xới làm đất, thuê nhân công. Do tình trạng ngộ độc phèn, lúa sạ chưa được 10 ngày có dấu hiệu thối rễ, ngọn ngả vàng, héo dần. Tôi đã gieo sạ lần thứ 3 nhưng tình trạng lúa chết vẫn diễn ra. Tôi có hai mảnh ruộng 5ha và 25ha, giờ hết vốn để gieo sạ, mảnh 5ha đành bỏ trống, phần diện tích còn lại tôi cố gắng rải phân, phun thuốc, tích cực bơm nước để cứu lúa”.
Lúa hè thu năm 2020 của ông Trần Văn Lai (bên phải), ngụ ấp Tân Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang gieo sạ lại lần 3 được 5 ngày nhưng có dấu hiệu lúa chết.
Ông Nguyễn Hữu Ái, ngụ ấp Tân Điền, xã Hòa Điền chia sẻ: “Tôi thuê 45ha đất làm lúa hai vụ. Năm nay, thời tiết nắng nóng, phèn mặn trong đất bốc lên mặt ruộng, khi bơm nước vào mạ bị ngộ độc phèn, lúa sạ hai đợt đều thối rễ, ước thiệt hại từ 700.000 - 800.000 đồng/công. Để có vốn sản xuất, tôi đã vay ngân hàng trên 1 tỷ đồng, hiện lúa bị thiệt hại, tôi rất lo vụ này sẽ không có tiền trả lãi và nợ ngân hàng”.
Đồng chí Trần Bình Trọng - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết đối với diện tích lúa bị ngộ độc phèn, Phòng Kinh tế huyện khuyến cáo nông dân kiểm tra kỹ nguồn nước, bơm nước vào ruộng để xả phèn, khi có mưa nhiều mới tiến hành sạ lại. Tuy nhiên, nông dân cần gieo sạ theo đúng khung lịch thời vụ của huyện. Thời gian tới, để sản xuất bền vững, huyện khuyến cáo nông dân từng bước chuyển đổi dần sản xuất cây, con giống phù hợp. Đối với khu vực lung trũng than bùn như kênh 8, kênh 9 thuộc xã Hòa Điền, xã Kiên Bình, nông dân chọn các mô hình sản xuất hiệu quả như xen canh khoai môn trên đất lúa, trồng cây ăn quả như cam, mít, mãng cầu…
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, thời gian tới khả năng bệnh ngộ độc phèn, cháy bìa lá, bù lạch tiếp tục phát triển ở mức cao, rầy nâu, đạo ôn, muỗi hành có khả năng xuất hiện. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn huyện Kiên Lương khuyến cáo người dân, đối với phần diện tích lúa hè thu chưa xuống giống thì xuống giống đúng theo lịch thời vụ. Nông dân thường xuyên kiểm tra mực nước, nhất là đối với phần diện tích lúa phía nam quốc lộ 80, khu vực sản xuất gần các hộ nuôi trồng thủy sản phải tiến hành kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào ruộng để đảm bảo lúa phát triển tốt.
Người dân thường xuyên thăm đồng theo dõi tình hình sâu bệnh, mực nước để có biện pháp xử lý kịp thời, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ chuyên môn của huyện. Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương chỉ đạo các trạm chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, đồng thời hướng dẫn nông dân gieo sạ lại diện tích lúa bị ngộ độc phèn.
Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống cống trên địa bàn để điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch đề ra. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kiểm tra, gia cố các bờ bao, ô bao ở những khu vực lung trũng để phòng, ứng phó trước tình hình lũ có thể đổ về vào cuối vụ sản xuất, tránh gây thiệt hại cho nông dân.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng mà 4 năm nay ông Dư Văn Thái, 78 tuổi, ngụ ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) giảm được trên 50% chi phí sản xuất. Với giải pháp này, ông Thái vừa đoạt giải ba tại cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật nhà nông do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Tổng số lượt truy cập: