03/12/2024 13:46
Cống Vàm Bà Lịch (Châu Thành) vận hành đóng để trữ nước phục vụ sinh hoạt.
Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang cảnh báo triều cường kết hợp nước dâng do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, có thể gây ngập cục bộ các vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến các công trình giao thông, sản xuất nông nghiệp và đi lại của người dân, đặc biệt là ven sông Cái Lớn, Cái Bé, kênh Cán Gáo và khu vực đô thị; mặn có thể xâm nhập sâu vào trong nội đồng.
Căn cứ dự báo tình hình triều cường, hạn mặn có thể xảy ra, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã triển khai kế hoạch vận hành các công trên địa bàn tỉnh trong tháng 12 như sau:
Các cống trên địa bàn huyện An Biên, An Minh vận hành đóng để bảo vệ diện tích lúa đông xuân 2024-2025 trên nền đất tôm của 2 huyện.
Đối với vùng đệm U Minh Thượng, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình diễn biến nguồn nước khu vực vùng đệm, tình hình xả nước vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng để vận hành đóng, mở cống điều tiết nước cho phù hợp tình hình thực tế, chống ngập úng cũng như mặn xâm nhập khi triều cường cao. Dự kiến đóng toàn bộ hệ thống cống đê bao ngoài vào ngày 9-12.
Hệ thống cống đê bao Ô Môn - Xà No mở tự do các cống. Hệ thống cống huyện Châu Thành thực hiện đóng các cống để trữ ngọt, kiểm soát điều tiết nước.
Hệ thống cống TP. Rạch Giá tiếp tục điều tiết đóng, mở để trữ ngọt, kiểm soát mặn. Riêng cống số 1, cống sông Kiên vận hành mở một chiều ra biển để chống ngập úng, thoát ô nhiễm khu chợ nông sản và khu vực TP. Rạch Giá.
Hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, vận hành theo quy trình vào mùa khô, khi mực nước tại trạm Châu Đốc giảm xuống dưới cao trình +2,0m thì đóng kín toàn bộ các cống để điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản. Riêng cống Ba Hòn mở 1 cửa, một chiều ra biển phục vụ giao thông thủy.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Qua 10 năm thành lập và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân, có 3.870 lượt hộ nông dân vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất thông qua 325 dự án. Thực tế tại Kiên Giang cho thấy quỹ hỗ trợ nông dân trở thành đòn bẩy tài chính, điểm tựa vững chắc giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tổng số lượt truy cập: