07/09/2023 14:46
Hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh những thiệt hại về tài sản, hư hỏng nhà cửa, mưa lớn làm ngập úng cục bộ nhiều diện tích lúa của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Hòn Đất, nhiều ngày qua, nông dân phải huy động hết nguồn lực để cứu lúa ngập vì nguồn thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào vụ lúa này. Máy bơm hoạt động hết công suất nhưng nước cũng không xuống được bao nhiêu.
Để nước ngoài kênh không tiếp tục tràn vào ruộng, người dân thuê máy múc đất, be bờ cao hơn. Không chỉ máy bơm của người dân, bên ngoài các kênh lớn, hàng chục máy bơm điện ba pha công suất lớn của các hợp tác xã cũng hoạt động ngày đêm để góp phần đẩy nước ra ngoài.
Ông Vũ Văn Tuấn (bên trái), ngụ ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu 2023 bị ngập úng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, vụ hè thu 2023 toàn huyện gieo sạ 78.976ha, tăng 286ha so vụ hè thu 2022. Đến nay, huyện thu hoạch được 24.737ha, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha. Diện tích còn lại đang trong giai đoạn làm đòng và trổ chín.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, huyện Hòn Đất có hơn 21.000ha lúa hè thu 2023 bị đổ ngã, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại từ 30-70% khoảng 14.845ha, diện tích lúa thiệt hại trên 70% khoảng 6.175ha. Địa phương thiệt hại nhiều nhất là các xã Nam Thái Sơn 6.000ha, Mỹ Thái 5.890ha, Bình Giang 3.450ha.
Chị Đặng Thị Luyến, ngụ ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất sản xuất 20ha lúa hè thu 2023 cho biết: Trổ bông đúng lúc gặp mưa bão, lúa bị lem lép hạt nhiều. Đến lúc lúa gần chín lại gặp ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, mưa lớn nhiều ngày qua, nước trong ruộng dâng lên, nước ngoài sông cao hơn mực nước trong ruộng mặc dù đã thuê phương tiện múc đất, be bờ nhưng không thể cứu được, toàn bộ cánh đồng ngập trong nước cả tuần nay.
"Máy cắt không thể vào được, tôi phải thuê nhân công cắt tay, suốt, kéo chi phí hơn 1,35 triệu đồng/công. Ban đầu thương lái đã xem lúa cho giá 7.700 đồng/kg nhưng gặp mưa, lúa sẫm màu, chất lượng giảm, thương lái không chịu mua”, chị Luyến nói.
Nông dân xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch lúa ngập do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.
35ha lúa hè thu 2023 của gia đình anh Nguyễn Văn Vang, cùng ngụ ấp Sơn Hòa đang phát triển tốt còn chưa đầy 1 tuần nữa sẽ thu hoạch, dự kiến vụ này gia đình anh sẽ có vụ mùa bội thu, được mùa, trúng giá. Thương lái đã đặt cọc diện tích sản xuất lúa của gia đình anh Vang chờ đến ngày cắt sẽ vào cân, giá bán hơn 8.000 đồng/kg, dự kiến mỗi công sẽ lãi hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, đợt mưa diện rộng vừa qua làm hơn 30ha lúa gần thu hoạch đổ ngã, ngập úng, lên mầm trắng.
Nhìn cánh đồng bị ngập úng, anh Vang nói: “Chỉ trong thời gian ngắn thiên tai khiến gia đình tôi lao đao, từ chỗ tưởng chừng trúng mùa nay thành mất mùa. Nước dâng nhanh, ruộng ngập 50-60cm, bơm nước không kịp. Nhìn lúa lên mầm trắng mà xót xa, lúa này bán không ai mua”.
Đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thông tin, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã mở các cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước chống ngập úng. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại; tập trung hướng dẫn người dân biện pháp khắc phục thiệt hại, chăm sóc lúa sau mưa bão.
Đối với diện tích lúa đổ ngã đã đến kỳ thu hoạch, các địa phương cần khẩn trương hỗ trợ người dân thu hoạch nhanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đối với các diện tích lúa đang trổ, chín cần huy động nguồn lực để tiêu thoát úng kịp thời…
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: