27/01/2021 08:59
Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát thành lập tháng 10-2013, có 119 thành viên, với diện tích 206ha, chủ yếu sản xuất lúa. Thời gian đầu thành lập, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành, quản lý, chưa tạo được sự đồng thuận trong các thành viên. Việc canh tác các loại giống lúa đại trà cho năng suất không cao, giá bấp bênh.
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng cao, các thành viên hợp tác xã chuyển đổi trồng một số giống lúa mới. Đến năm 2016, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát chuyển sang canh tác các giống lúa chất lượng cao như OM18, Đài Thơm 8, Hương Cửu Long, bước đầu cho năng suất cao.
Vụ đông xuân năm 2019-2020, các giống lúa chất lượng cao cho năng suất 1,2 tấn/công, bán giá 5.200 đồng/kg, các thành viên lợi nhuận 4,6 triệu đồng/công. Vụ hè thu năm 2020, hợp tác xã chọn sạ giống lúa mới Hương Cửu Long, được doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu và bao tiêu với giá cao hơn các giống khác 100 đồng/kg.
Ông Nguyễn Minh Vạn (bìa trái) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát thăm ruộng canh tác giống lúa Hương Cửu Long kháng sâu bệnh của thành viên hợp tác xã.
Theo ông Nguyễn Minh Vạn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát, trước đây, người dân tự bơm tát, gieo sạ nhiều loại giống lúa, sâu bệnh bùng phát trên lúa nên khó kiểm soát, năng suất lúa thấp, canh tác không hiệu quả. “Bây giờ, các thành viên làm ruộng khỏe lắm, được doanh nghiệp hỗ trợ giống, thuốc trừ sâu và thu mua sau khi thu hoạch, đầu ra ổn định nên bà con rất yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Minh Vạn cho biết.
Hiện Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát phối hợp các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các thành viên. Hợp tác xã theo dõi, giám sát, nhắc nhở các thành viên thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật canh tác.
Toàn hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư hệ thống đê bao hoàn chỉnh, hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nước vào ruộng dễ dàng hơn, điện 3 pha được đầu tư thuận tiện cho việc chủ động bơm tưới. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất, hợp tác xã đã xây dựng 1 trụ sở làm việc, nạo vét 2 kênh thủy lợi, xây dựng 1 đập bơm kiên cố, tổng chi phí gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của huyện và theo Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát còn áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản sạch cung ứng ra thị trường. Từ khi sử dụng giống lúa mới, áp dụng các chương trình này, các thành viên tiết kiệm được 300.000 đồng/công, giúp tăng lợi nhuận.
Ông Lê Văn Phúc - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát nói: “Gia đình tôi có 1,5ha, tôi chọn sạ giống Hương Cửu Long. Hợp tác xã luôn tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, có cơ hội nâng cao thu nhập, từng bước ổn định kinh tế gia đình, nhiều hộ vươn lên khá, giàu nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp”.
Ông Nguyễn Văn Hận tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát hơn 7 năm. Với diện tích 1ha, ông cũng chọn gieo sạ giống Hương Cửu Long. “Trồng giống lúa mới này tiết kiệm được chi phí phun thuốc và bón phân. Lúa phát triển tốt. Khi tham gia hợp tác xã, các thành viên bơm tát, gieo sạ cùng thời điểm nên chủ động trong việc phòng, chống sâu bệnh, cho năng suất và lợi nhuận cao”, ông Hận cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Vạn, thời gian tới, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp tìm ra những giống lúa mới, đảm bảo chất lượng, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao. Song song đó, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật; thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: