02/02/2023 22:14
Quang cảnh buổi làm việc.
Ngày 2-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chủ trì làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam, các đơn vị trực thuộc sở và chính quyền 7 huyện trong vùng hưởng lợi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Nội dung buổi làm việc đánh giá kết quả vận hành và tác động của hệ thống thủy lợi này phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang năm 2022, định hướng nhiệm vụ trong các năm tiếp theo.
Qua đánh giá sơ bộ công tác vận hành công trình sau hơn 1 năm, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã cơ bản kiểm soát nguồn nước, phục vụ tốt cho sản xuất, hỗ trợ việc bố trí sản xuất ổn định cho các địa phương vùng hưởng lợi dự án.
Tại Kiên Giang, vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.000ha đã được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Vùng sinh thái lợ chủ yếu mô hình tôm lúa cũng đã cơ bản được kiểm soát nguồn nước có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, tỉnh không phải đắp đập tạm qua 2 mùa khô, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm gây ra.
Hệ thống thủy lợi đã giúp chủ động kiểm soát mặn cho giai đoạn cuối vụ lúa đông xuân của vùng thượng lựu cống Cái Lớn, Cái Bé thuộc địa bàn huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Đồng thời góp phần tăng khả năng thoát lũ, tiêu thoát nước, giảm ngập úng khu vực Tây Sông Hậu, ngăn triều cường khi có yêu cầu.
Đối với vùng sản xuất lúa - tôm, việc vận hành đồng bộ các cống trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kết hợp với việc vận hành các cống do tỉnh Kiên Giang quản lý đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ lúa mùa trên địa bàn 2 huyện An Biên, An Minh.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ tốt cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản của người dân tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã phát sinh nhiều vấn đề như: Phía hạ lưu công trình hệ thống thủy lợi các bờ bao được đầu tư chưa đảm bảo kỹ thuật, thường xuyên bị nước tràn qua khi triều cường; các hộ dân sống ngoài đê thường xuyên bị ngập do triều cường, mức độ ngập gia tăng khi đóng cống.
Tại vùng ven biển Tây và dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé, các cụm cống chưa đồng bộ, khép kín nên chưa thể phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi Cái Lớn Cái Bé…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết thời gian tới, sở sẽ trình UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái cho vùng ngọt.
Kiên Giang có kế hoạch đầu tư, ưu tiên giải quyết ngay việc chống ngập cho vùng hạ lưu thuộc huyện Châu Thành, An Biên; triển khai thực hiện tốt đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các địa phương trong vùng hưởng lợi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cần chủ động rà soát lại các mô hình sản xuất, căn cứ theo kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi, đề xuất các mô hình hiệu quả để tính toán lại sản xuất trong thời gian tới.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam, kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong năm 2023 như sau:
Trong thời gian sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, khi diễn biến độ mặn tại cầu Cái Tư không vượt 1g/l thì cống Cái Lớn duy trì mở tự do. Tùy theo diễn biến tình hình xâm nhập mặn khu vực thượng lưu cống Cái Lớn (trạm cầu Cái Tư), nếu độ mặn có nguy cơ vượt ngưỡng 1g/l, cống Cái Lớn sẽ vận hành tối đa 9 cửa.
Từ tháng 12-2022 đến cuối tháng 3-2023 khi độ mặn tại trạm Trâm Bầu không vượt 1g/l thì cống Cái Bé mở tự do. Trường hợp độ mặn trại trạm Trâm Bầu có nguy cơ vượt ngưỡng 1g/l thì thực hiện đóng cống Cái Bé.
Trong thời gian sản xuất vụ lúa mùa và vụ đông xuân 2022-2023 ở hai huyện An Minh và An Biên, cống âu thuyền Xẻo Rô sẽ đóng kín để kiểm soát mặn, trữ ngọt. Trường hợp khi xảy ra ngập úng do mưa lớn bất thường, cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô vận hành mở tiêu nước tối đa.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: