04/07/2023 13:56
Hợp tác xã Hòa Thuận, ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quao là một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện Gò Quao. Hợp tác xã được thành lập năm 2002, đến nay có hơn 100 thành viên canh tác tổng diện tích hơn 117ha, vốn điều lệ gần 100 triệu đồng.
Ông Lương Long Bal - Giám đốc Hợp tác xã Hòa Thuận cho biết, hợp tác xã cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp như bơm tát, làm đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, doanh thu của hợp tác xã không ngừng tăng, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên. Từ sản xuất lúa và cung cấp dịch vụ, mỗi thành viên hợp tác xã lợi nhuận bình quân 80 triệu đồng/ha/năm.
Thành viên Hợp tác xã Hòa Thuận làm đất chuẩn bị gieo xạ đồng loạt.
Tham gia hợp tác xã từ năm 2003 với hơn 2ha đất trồng lúa, sau thời gian sản xuất có hiệu quả, đến nay ông Quách Col ngụ ấp An Minh, xã Định An đã có 4ha đất lúa.
Ông Quách Col chia sẻ: “Tham gia hợp tác xã là chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo quy trình. Các thành viên cùng sạ lúa, xịt thuốc, bơm tưới đồng loạt nên hạn chế dịch bệnh trên lúa và tiết kiệm chi phí. Với sự hỗ trợ của hợp tác xã về kỹ thuật sản xuất, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm… hiệu quả sản xuất tăng đáng kể. Với 4ha đất ruộng, mỗi vụ, gia đình tôi lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”.
Đầu năm 2022, Hội Nông dân xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao thành lập tổ hợp tác nuôi cá lóc xã Vĩnh Phước B để phát triển, nhân rộng mô hình nuôi các lóc trên sông Cái Lớn. Chị Phạm Thị Hồng Mãi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước B cho biết, Hội Nông dân xã quan tâm, hỗ trợ, vận động người dân có điều kiện phát triển mô hình nuôi cá lóc trên sông.
Hội phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách nuôi cá; hỗ trợ thành viên có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội huyện… Đến nay, tổ hợp tác có 10 thành viên, mỗi thành viên có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm từ mô hình nuôi cá lóc.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao và ông Lương Long Bal - Giám đốc Hợp tác xã Hòa Thuận kiểm tra tình hình phát triển của cây lúa.
Tham gia tổ hợp tác nuôi cá lóc xã Vĩnh Phước B, ông Hồ Chí Tâm, ngụ ấp Phước Thọ, xã Vĩnh Phước B được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có vốn và kiến thức nuôi cá lóc, tận dụng diện tích mặt nước trước nhà, ông đầu tư xây dựng vèo lưới để nuôi thí điểm 1.000 con cá giống.
Sau vài tháng nuôi thí điểm, thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình, mỗi tháng ông Tâm tiếp tục thả thêm 10.000 con giống. Đến nay ông có 11 vèo nuôi với khoảng 65.000 con cá lóc; khoảng 2 tháng ông xuất bán 1 lần, mỗi lần hơn 3 tấn cá, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Ông Tâm chia sẻ: “Trước đây, tôi từng đào ao nuôi cá nhưng thất bại vì cá thường xuyên nhiễm bệnh và chậm lớn. Sau khi tham gia tổ hợp tác nuôi cá lóc xã Vĩnh Phước B, tôi được tập huấn kiến thức về nuôi cá lóc trong vèo lưới trên sông. Nhận thấy nuôi cá lóc trên sông Cái Lớn có nguồn nước sạch, ít nhiễm bệnh, tôi đã mạnh dạn phát triển mô hình. Cá lóc có giá ổn định, dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Năm 2022, gia đình tôi thu nhập từ mô hình nuôi cá lóc khoảng 200 triệu đồng”.
Ông Hồ Chí Tâm, tổ hợp tác nuôi cá lóc xã Vĩnh Phước B cho cá ăn.
Huyện Gò Quao hiện có 40 hợp tác xã, 409 tổ hợp tác và 77 tổ chức kinh tế tập thể khác đang hoạt động với hơn 10.500 thành viên. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Quao, Huỳnh Văn Sơn cho biết thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung.
Song song đó, tăng cường vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về kinh tế tập thể; tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới cho các thành viên kinh tế tập thể...
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: