22/02/2022 14:16
Làng nghề truyền thống bánh tráng xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) hình thành cách nay hơn 100 năm và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Là truyền nhân đời thứ tư của gia đình, tiếp tục nối nghề làm bánh tráng, anh Nguyễn Như Mạnh - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, xã Thạnh Hưng đưa sản phẩm bánh tráng của gia đình lên một tầm cao mới.
Được sự quan tâm, hỗ trợ về vốn và chính sách của chính quyền địa phương, từ năm 2008 đến nay, anh Mạnh từng bước chuyển đổi toàn bộ quy trình sản xuất thủ công sang bán công nghiệp. Nhờ đó, cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài không chỉ tăng năng suất gấp 15 lần trước đây mà còn cải thiện đáng kể chất lượng bánh tráng làm ra. Năm 2020, bánh tráng mang thương hiệu Mạnh Tài thuộc làng nghề truyền thống Thạnh Hưng đạt chứng nhận OCOP 3 sao và sản phẩm tiếp tục được chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Công nhân cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) gỡ bánh tráng đã phơi khô để chuẩn bị cho công đoạn cắt và đóng gói.
Cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài được mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giải quyết việc làm thường xuyên trên 30 lao động, với thu nhập bình quân 65 triệu đồng/người/năm và bao cơm ăn tại chỗ cho nhân công. Ngoài ra từ chỗ tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương, hiện bánh tráng Mạnh Tài được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành khác tin dùng. Anh Mạnh nói: “Năm 2021, tôi bán ra thị trường trên 170 tấn bánh tráng. Năm nay tôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và phấn đấu ra mắt thêm 1-2 dòng sản phẩm chứng nhận OCOP, trong sản xuất tôi chú ý an toàn, vệ sinh thực phẩm, cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng”.
22 năm gắn bó với nghề làm mắm, vợ chồng chị Lê Thị Hết - chủ cơ sở sản xuất mắm Tám Dô, ngụ ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) luôn giữ gìn uy tín của nghề và xuất ra thị trường sản phẩm mắm mang mùi vị thơm ngon đặc trưng. Dưới sự hướng dẫn của ngành chức năng, vợ chồng chị Hết mạnh dạn hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn, hợp vệ sinh, từ đó 4 sản phẩm mang thương hiệu mắm Tám Dô gồm mắm cá lóc nguyên con, mắm cá lóc thái sợi, mắm cá rô mềm xương và mắm cá sặc được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Hiện tại, vợ chồng chị Hết chuẩn bị ra mắt thêm một dòng sản phẩm mới.
Anh Nguyễn Như Mạnh - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) giới thiệu sản phẩm bánh tráng Mạnh Tài đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia.
Chị Hết chia sẻ: “Khi sản phẩm được ngành chức năng hỗ trợ chứng nhận OCOP, được quảng bá rộng rãi, việc sản xuất sản phẩm ra thị trường tăng lên rất nhiều, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện sản phẩm được tiêu thụ khắp cả nước, thậm chí được gửi sang cả nước ngoài”. Năm 2021, chị Hết ước tính bán ra thị trường hơn 20 tấn mắm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng hàng xuất ra mỗi tháng tăng gần gấp đôi so thời gian trước. Hiện gia đình chị giải quyết việc làm hàng tháng cho 4 nhân công với lương 4 triệu đồng/tháng. Riêng mùa cao điểm, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, cơ sở thuê nhân công mỗi ngày lên đến 20 người để làm cá phục vụ cho việc ủ mắm.
Nhân công cơ sở sản xuất mắm Tám Dô, ngụ ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) dán nhãn hiệu sản phẩm mắm Tám Dô.
Theo đồng chí Trần Ngọc Khải - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp và đa dạng nghề truyền thống, thời gian qua, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện để cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm tiêu biểu. Các địa phương, ngành chức năng tuyên truyền, vận động hộ sản xuất nhỏ lẻ nhưng có tiềm năng phát triển mạnh dạn đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng để đạt chuẩn OCOP. Cùng với đó, ngành chức năng và địa phương có sản phẩm tiêu biểu chủ động thực hiện vai trò hướng dẫn, thường xuyên hỗ trợ người dân về khoa học, kỹ thuật, vốn và quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Giồng Riềng được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận một làng nghề truyền thống bánh tráng tại xã Thạnh Hưng, với hơn 30 hộ làm nghề bằng phương pháp thủ công và 1 cơ sở sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, huyện còn có các nghề như vót đũa tre, đan cần xé, thủ công mỹ nghệ tại xã Bàn Thạch và xã Bàn Tân Định; 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Lê Thị Hết - chủ cơ sở sản xuất mắm Tám Dô, ngụ ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) giới thiệu sản phẩm mắm Tám Dô đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Lợi ích thiết thực nhất từ việc quan tâm phát triển sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống tại huyện Giồng Riềng là tận dụng thế mạnh nông nghiệp giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân. Xa hơn còn giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Huyện Giồng Riềng định hướng đến năm 2025 phấn đấu có từ 10-15 sản phẩm OCOP 3 sao và 1-2 sản phẩm nâng lên 4 sao.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: