25/06/2020 08:36
Sáng 23-6-2020, Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi làm việc với Trường Đại học Cần Thơ để triển khai kết quả nghiên cứu đề tài khoa học đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông - lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất.
Tại buổi làm việc, giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh - Trưởng bộ môn tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Trường Đại học Cần Thơ) báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp trường đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông - lâm nghiệp và kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất do ông làm chủ nhiệm đề tài.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh - Trưởng bộ môn tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Trường Đại học Cần Thơ) báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp trường đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông - lâm nghiệp và kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Báo cáo đánh giá mô hình trồng cây lâu năm (xoài, khóm) có hiệu quả sử dụng đồng vốn tốt nhất, lúa 3 vụ thấp nhất. Mô hình chuyên tôm có hiệu quả đồng vốn tương đối cao, tuy nhiên mức độ đầu tư và hiệu quả canh tác của mô hình này biến động rất lớn, tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng nông hộ. Thời tiết và phèn là hai yếu tố được cho là có mức ảnh hưởng cao nhất với sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Hòn Đất.
Có 4 phương án sử dụng đất được đề xuất cho huyện Hòn Đất gồm: Phương án 1 dựa vào tiềm năng tự nhiên; phương án 2 khai thác tiềm năng tự nhiên kết hợp cải tiến kỹ thuật; phương án 3 kết hợp tự nhiên với tối ưu hiệu quả đồng vốn; phương án 4 kết hợp tự nhiên với tối ưu lợi nhuận.
Phương án 1 và phương án 3 được đánh giá phù hợp cho huyện trong điều kiện hiện tại. Phương án 2 được đề xuất với điều kiện có được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật sản xuất. Các phương án được đề ra đều có mức lợi nhuận cao hơn so với hiện tại tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển có thể kết hợp quan điểm của các phương án này cho mục tiêu phát triển của huyện.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh cho rằng huyện Hòn Đất cũng đứng trước các thách thức về chất lượng nông sản, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nguồn lao động ở nông thôn đang có xu hướng giảm và lão hóa, các vấn đề về tự nhiên như suy thoái đất, mặn xâm nhập, khí hậu cực đoan, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phát triển nghề trồng rau màu. Trong ảnh: Nông dân chuẩn bị giống xuống vụ kiệu tết.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh kiến nghị huyện quan tâm các giải pháp điều tiết nguồn nước, cải tạo đất thông qua biện pháp công trình kỹ thuật canh tác hoặc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, canh tác, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm thị trường tiêu thụ, nhất là tiêu thụ nội địa trong huyện, trong tỉnh và trong nước; tăng cường các kỹ thuật bảo quản chế biến các sản phẩm, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, là các giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Văn Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất đánh giá cao đề tài khoa học của Trường Đại học Cần Thơ có ý nghĩa rất lớn đối với công tác đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông - lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất. Đồng chí mong muốn thời gian tới trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện nghiên cứu về việc phát triển bền vững nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện, nghiên cứu cây trồng, vật nuôi phù hợp thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện.
Tin và ảnh: THU OANH
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: