30/06/2020 18:10
CẢI THIỆN THU NHẬP NHỜ ỔI
Đưa chúng tôi tham quan vườn ổi của gia đình, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, ngụ ấp Tân Thọ, xã Tân Hội kể vườn ổi 2.000m2 này trước đây là đất ruộng cho lợi nhuận không cao. Năm 2016, vợ chồng bà chuyển sang trồng đu đủ xen với ổi lê nhằm lấy ngắn nuôi dài. Theo bà Thủy, ổi lê được thị trường ưa chuộng nên dễ tiêu thụ. Ổi lê có bộ rễ mạnh, chịu phèn tốt, thân, cành chắc khỏe nên có khả năng chống chịu tốt với gió. Để trái ổi không bị cháy nắng, hình dáng đẹp, chống được ruồi vàng đục trái, bà Thủy dùng túi nylon bọc từng trái từ khi còn nhỏ nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bà Bùi Thị Hường (bên trái), ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Hội cùng chồng thu hoạch chanh.
“Trồng ổi có chi phí thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh nên có thu nhập ổn định. Nhờ vườn ổi mà lợi nhuận từ 18 công ruộng còn nguyên vì vườn ổi cho thu nhập hàng ngày, đủ chi phí sinh hoạt gia đình và lo cho con đang học đại học”, bà Thủy nói. Để ổi không dội chợ, bà Thủy áp dụng kỹ thuật cho ổi ra trái luân phiên. Mỗi ngày, gia đình bà thu hoạch từ 20 - 40kg, bán giá 7.000 đồng/kg. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn ổi của gia đình bà phát triển tốt, năng suất cao và thu hoạch quanh năm, bình quân lãi khoảng 40 triệu đồng/năm.
Theo Đảng ủy xã Tân Hội, năm 2015 đến nay, xã có 22ha đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái như xoài, chanh, ổi, cam, sầu riêng, mãng cầu, quýt, trong đó có mô hình chanh, sầu riêng cho lợi nhuận từ 80 - 150 triệu đồng/ha/năm.
KHẤM KHÁ NHỜ CHANH
Cùng đoàn công tác của xã, chúng tôi về ấp Tân Lập một ngày cuối tháng 6. Sáng sớm, vợ chồng bà Bùi Thị Hường có mặt ở vườn chanh thu hoạch trái. Với tay hái những trái chanh dưới tán lá xanh, bà Hường nói: “Chanh năm nay được mùa, cho trái rất sai. Từ năm 2018 đến nay năm nào vườn chanh hơn 1 công tầm lớn này cũng cho lợi nhuận từ 90 - 100 triệu đồng. Chanh dễ trồng, hợp thổ nhưỡng và ít tốn công chăm sóc”.
Năm 2018, bà Hường bàn với chồng lên liếp lập vườn chanh trên 1 công đất ruộng trồng lúa. Chồng bà bàn lui vì trong xã chưa thấy ai trồng. Hàng xóm có người bảo bà làm chuyện không giống ai, làm vườn để nuôi chuột chứ làm gì có thu nhập. Bà Hường và con trai vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng lập vườn trồng chanh. Qua 3 năm canh tác, bí quyết thu lợi nhuận cao từ cây chanh của gia đình bà Hường là xử lý cho trái vào những thời điểm chanh được giá.
Ông Nguyễn Hồng Kim, chồng bà Bùi Thị Hường, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Hội thu hoạch chanh.
Quan sát thị trường nhiều năm, bà Hường nhận thấy vào mùa nắng nóng từ tháng giêng đến tháng 5 âm lịch do nhu cầu thị trường tăng nên giá chanh rất cao, có thời điểm đạt mức 20.000 - 25.000 đồng/kg. “Khoảng 10 tháng sau khi trồng, chanh đã cho trái. Chanh bông tím có ưu điểm cho trái quanh năm, mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng 20 ngày”, bà Hường nói. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nên gia đình bà Hường tiếp tục chuyển đổi thêm 12 công đất trồng lúa sang trồng chanh, hiện diện tích này đang cho lứa trái đầu tiên.
Ngày 29 và 30-6, Đảng bộ xã Tân Hội tổ chức Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội tổng kết thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo nhiệm kỳ 2020-2025. |
Theo đồng chí Huỳnh Thị Sơn Ca - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội, đến nay hội giúp hội viên phụ nữ vay các nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, dư nợ hơn 10 tỷ đồng. Qua đó góp phần mỗi ấp xây dựng từ 4 - 5 mô hình chuyển đổi phát triển kinh tế hiệu quả trong hội viên.
Đồng chí Huỳnh Thị Sơn Ca cho biết thêm: “Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội và các đoàn thể khác luôn chú trọng vận động, đồng hành cùng hội viên chuyển đổi sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thay vì chỉ có cây lúa, 5 năm trở lại đây, xã có nhiều mô hình trồng cây ăn trái giúp người dân tăng thu nhập gấp 3 - 4 lần so trước. Khâu tiêu thụ nông sản đến thời điểm này vẫn rất tốt”.
Bài và ảnh: BÍCH LINH
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: