22/12/2020 11:17
ƯU TIÊN GIỐNG CHẤT LƯỢNG CAO
Ngày 19-12, ông Trần Văn Huấn, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) cấy mạ bằng máy cho 2ha ruộng của gia đình. 2ha này cũng là diện tích cuối cùng xuống giống vụ đông xuân của ấp Kênh 8A. “Đây là vụ thứ hai tôi áp dụng phương pháp cấy mạ trong canh tác lúa.
Hợp tác xã được doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu lúa chất lượng cao với giá cao hơn thị trường 900 đồng/kg lúa nên bà con phấn khởi, an tâm sản xuất, không lo đầu ra”, ông Huấn cho biết. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, toàn huyện có 36.800ha lúa đông xuân 2020-2021, đã gieo sạ hơn 98% diện tích; trong đó, 80% diện tích canh tác giống chất lượng cao như Đài Thơm 8, Jasmine 85.
Ông Nguyễn Văn Lùng, ngụ khu phố Tà Lúa, thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) trục gốc rạ chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân 2020-2021.
Những ngày qua, nhiều nông dân huyện Hòn Đất tất bật làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa. Ông Nguyễn Văn Lùng, ngụ khu phố Tà Lúa, thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) dùng máy trục đất xử lý gốc rạ để 3 ngày nữa gieo sạ 1ha lúa. Theo ông Lùng, năm nay lũ rút chậm nên ông và nhiều nông dân khác gieo sạ trễ. Ngoài ra, do năm nay cánh đồng nơi ông canh tác không có vịt chạy đồng về nên lượng ốc trên ruộng nhiều gấp đôi năm 2019, dự báo chi phí diệt ốc tăng cao.
“Ở cánh đồng này, bà con đều sạ giống Đài Thơm 8 nên tôi cũng sạ theo cho dễ bán. Nhu cầu tăng, khiến giống lúa này trở nên hút hàng, giá bán tăng 1.500 đồng/kg và phải đặt trước 1 tháng mới mua được, nhiều người đặt trễ nên giờ mua không có”, ông Lùng nói.
Qua khảo sát thực tế, vụ đông xuân 2020-2021, tại các huyện như Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, nhiều nông dân tập trung chọn sạ giống lúa Đài Thơm 8 nên hiện nhiều cơ sở kinh doanh giống rất khó có đủ hàng để bán, nhất là khi giống lúa thơm này thuộc bản quyền của một doanh nghiệp, các cơ sở giống muốn phát triển sản xuất, kinh doanh phải được sự đồng ý của doanh nghiệp.
Giá bán lẻ lúa giống Đài Thơm 8, Jasmine 85 cấp xác nhận được nhiều đại lý bán ra từ 14.000-15.950 đồng/kg. Giống lúa ST24 có giá bán lẻ cao nhất từ 22.000-25.000 đồng/kg do được xếp top các loại gạo ngon trên thế giới.
Gia đình ông Trần Văn Huấn, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) chuyển mạ lên máy cấy chuẩn bị ra đồng.
Đồng chí Tô Trung Kiên - Phó Phòng Kế hoạch cung ứng Trung tâm Giống nông, lâm, ngư nghiệp Kiên Giang cho biết: “Dù lúa giống các loại tăng giá bình quân 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019 nhưng các giống GKG của Kiên Giang vẫn bán giá ổn định từ 12.000-13.000 đồng/kg nhằm hỗ trợ nông dân.
Trên thị trường hiện có bán khá đa dạng nhiều giống lúa thơm ngon, đặc sản, chất lượng cao. Do vậy, nông dân cần cân nhắc lựa chọn để đa dạng giống lúa sản xuất nhằm tránh rủi ro về đầu ra khi tập trung làm quá nhiều một loại giống cũng như tránh phải mua lúa giống với giá quá cao mà chất lượng có thể không tương xứng vì thiếu nguồn cung”.
Gia đình ông Trần Văn Huấn, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) cấy mạ bằng máy cho 2ha ruộng.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ HẠN, MẶN
Giữa tháng 12-2020, chúng tôi về thăm Hợp tác xã dịch vụ tôm - cua - lúa Thuận Phát, xã Đông Hưng (An Minh). Ông Lê Thế Sua - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tôm - cua - lúa Thuận Phát cho biết: “Năm nay, hạn kéo dài đến tháng 9 mới có mưa, trễ hơn mọi năm gần 3 tháng. Để kịp vụ mùa 2020, bà con tranh thủ cấy lúa. Khâu rửa mặn trên ruộng thực hiện ngay từ đầu vụ, chưa triệt để khiến lúa phát triển kém.
Hiện nay lúa bước vào giai đoạn trổ bông nhưng lại trổ không đồng loạt, có nơi chỉ ra bông lác đác vài bụi. Hợp tác xã có 100ha, ước giảm năng suất khoảng 50%”. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về diện tích lúa chịu ảnh hưởng do hạn, mặn của toàn tỉnh, nhưng thực tế cho thấy đã có nhiều diện tích lúa bị giảm năng suất do thời tiết diễn biến bất thường.
Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do dòng chảy từ thượng nguồn đổ về thấp hơn trung bình nhiều năm trước nên khả năng mặn xâm nhập đến sớm, vào cuối năm 2020 (dự báo sớm hơn trung bình nhiều năm 1,5-2 tháng).
Ngoài mặn xâm nhập, các cơ quan chuyên môn nhận định, có thể sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2020-2021. Mùa khô 2020-2021, tình trạng mặn xâm nhập ở Nam bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 55.000ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng, tập trung ở 8 tỉnh, trong đó có Kiên Giang.
Tại huyện Giồng Riềng, dù có nguồn nước ngọt quanh năm thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng huyện vẫn chủ động phương án ứng phó hạn, mặn nhằm bảo vệ an toàn 46.700ha lúa đông xuân 2020-2021.
Đồng chí Trần Ngọc Khải - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng cho biết: “Theo kinh nghiệm nhiều năm qua, huyện đã quyết liệt thực hiện sớm lịch thời vụ, ưu tiên giống lúa ngắn ngày và chịu hạn tốt. Đến ngày 21-12, toàn huyện gieo sạ đạt hơn 98% diện tích. Dự kiến đến 31-12, nông dân trong huyện gieo sạ dứt điểm. Ngoài ra, huyện có kế hoạch đắp 160 đập tạm ngăn mặn, bố trí các điểm đo độ mặn thường xuyên tại các cửa sông thuộc 5 xã có khả năng mặn xâm nhập để kịp thời thông báo cho người dân chủ động ứng phó”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: