04/09/2020 18:27
MƯA ĐỂ RỬA MẶN
Theo Đài Khí tượng và Thủy văn Kiên Giang, thời tiết từ tháng 7 đến tháng 9-2020, nhiều nơi trong tỉnh sẽ xuất hiện mưa nhiều, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ khoảng tháng 9 đến tháng 12-2020, mưa bão có khả năng gia tăng, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 12-2020, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-30% so trung bình nhiều năm.
Căn cứ dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn Kiên Giang cho thấy mùa mưa năm nay đến muộn và kết thúc trễ so trung bình nhiều năm. Những ngày đầu tháng 9, thời tiết vẫn nắng nóng, nhiều ngày không có mưa, nông dân gieo sạ lúa mùa trên nền đất tôm thuộc các huyện vùng U Minh Thượng đang chờ mưa già để tháo nước rửa mặn cho vụ lúa mùa.
Ông Trần Văn Dũng, ngụ ấp Ba Biển A, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết: “Để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa mùa trên nền đất tôm, tôi đang chuẩn bị tháo nước mặn, chờ mưa xuống để rửa mặn, cày trục lại đồng ruộng để gieo sạ cho kịp lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ngày qua trời không mưa, đồng ruộng phơi nắng nhiều ngày đã nứt nẻ nhưng chưa có nước để rửa mặn”.
Anh Nguyễn Phương Bình, ngụ ấp Xẻo Quao B, xã Nam Thái A, huyện An Biên (Kiên Giang) tiến hành bơm nước chuẩn bị cải tạo đất.
Anh Nguyễn Phương Bình, ngụ ấp Xẻo Quao B, xã Nam Thái A, huyện An Biên chia sẻ: “Vụ mùa là vụ lúa chính trong năm vừa góp phần giúp nông dân có thêm thu nhập vừa cải tạo lại môi trường đất, nước cho vụ tôm tiếp theo. Sau khi thu hoạch xong vụ tôm, tôi tiến hành tháo nước ra, cày trục, rửa mặn để gieo sạ lúa. Hiện độ mặn dưới sông trên 10‰, trong vuông độ mặn cũng xấp xỉ 15‰, nông dân chưa thể lấy nước ngọt rửa mặn cho đất, đành phải chờ mưa lớn để có nước ngọt. Nếu tình hình thời tiết tiếp tục khô hạn, nông dân khó có thể gieo sạ kịp lịch thời vụ theo khuyến cáo, gieo sạ ngoài lịch thời vụ, cuối vụ lại lo bị thiếu nước”.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái A cho biết, Nam Thái A là xã ven biển, không chủ động được nguồn nước ngọt, để sản xuất lúa mùa trên đất tôm, người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thời điểm gieo sạ vụ mùa bắt đầu từ ngày 25-8 đến 25-9 để tránh thiếu nước vào cuối vụ.
“Ủy ban nhân dân xã cử cán bộ nông nghiệp phối hợp các ấp hướng dẫn người dân tranh thủ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, chờ mưa lớn để tiến hành rửa mặn cho đất, gieo sạ đúng lịch thời vụ. Tính đến cuối tháng 8-2020, tiến độ gieo sạ vụ mùa trên địa bàn xã còn chậm do thiếu nước ngọt rửa mặn, khả năng xã khó đạt được diện tích gieo sạ như kế hoạch đề ra”, đồng chí Nguyễn Văn Tiến cho biết.
ĐỂ VỤ MÙA THÀNH CÔNG
Đồng chí Trần Quang Giàu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Do năm nay mùa mưa đến trễ, ngành nông nghiệp tiến hành xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ vụ mùa kéo dài thêm khoảng 15 ngày, thời gian gieo sạ cụ thể từ ngày 25-8 đến 30-9. Trên cơ sở khung lịch thời vụ chung, từng địa phương xây dựng lịch thời vụ riêng cho từng vùng, thêm vào đó tùy vào tình hình thời tiết diễn biến hạn, mặn, nguồn nước và diễn biến rầy nâu di trú, khuyến cáo nông dân gieo sạ tập trung, đồng loạt sau khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm nuôi để né rầy, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại và không thả giống tôm nuôi lại trên đất lúa”.
Theo đồng chí Trần Quang Giàu, nông dân nên sử dụng những giống lúa chất lượng cao, thích nghi rộng, đạt chuẩn xuất khẩu có khả năng chống chịu mặn tốt như OM2517, OM5451, OM6976, GKG1, GKG9 và các giống lúa mùa đặc sản cho năng suất tốt, ổn định phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương như Tài Nguyên, Một Bụi Đỏ, Một Bụi Trắng Lùn, ST24, ST25.
Đối với các trà lúa gieo sạ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10-2020, ở giai đoạn cuối vụ, các địa phương cần hướng dẫn nông dân chủ động gia cố bờ bao, cống đập để ngăn mặn, giữ ngọt trong hệ thống kênh mương chính và kênh mương nội đồng đảm bảo sản xuất lúa mùa an toàn, đạt năng suất cao.
Vụ mùa 2020-2021, toàn tỉnh Kiên Giang dự kiến gieo sạ khoảng 66.000ha lúa mùa trên nền đất tôm tập trung tại các huyện vùng U Minh Thượng. |
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang tích cực phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện thu hoạch tôm trên nền đất tôm lúa, tranh thủ lấy nước ngọt để rửa mặn, gia cố bờ bao, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương xổ phèn, mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng như “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện các mô hình sản xuất cánh đồng lớn tôm lúa để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân vùng sản xuất lúa tôm.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Tại hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ mô hình, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sáng 14-10 do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tổ chức, nhiều chủ thể OCOP đề xuất được các ngân hàng hỗ trợ vay vốn từ 50 triệu đến 10 tỷ đồng để đầu tư công nghệ, máy móc, nhà xưởng, thiết bị phục vụ, mở rộng vùng nguyên liệu.
Tổng số lượt truy cập: