04/10/2022 10:26
Bám sát nhu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới, chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn II (2016-2020) đạt các chỉ tiêu đề ra.
Đánh giá những đóng góp và tác động của chương trình đối với xây dựng nông thôn mới, kế thừa giai đoạn I, chương trình giai đoạn II tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vào hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, được Đảng và Nhà nước tham khảo, sử dụng để ban hành các chủ trương, nghị quyết quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao.
Với 97 quy trình sản xuất, công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng ngàn trang thiết bị hỗ trợ của dự án, chương trình góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt giúp tăng năng suất cây trồng từ 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%, nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.
Kết quả đánh giá cho thấy chương trình có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tác động rõ nhất là các tiêu chí về thu nhập, việc làm, quy hoạch, thủy lợi, môi trường và chất lượng sản phẩm, văn hóa, chính trị và tiếp cận pháp luật.
Các tác động này góp phần tích cực thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị khoa học, công nghệ để thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo.
Mô hình trồng xoài VietGAP tại Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất đạt chứng nhận VietGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan cho rằng các nghiên cứu khoa học trong giai đoạn tới phải chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, mỗi đề tài nghiên cứu khoa học phải mang tính kinh tế nông nghiệp gắn với yếu tố thị trường, tối ưu giá trị và theo hướng giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Các đề tài nghiên cứu phải chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị vào một sản phẩm.
Đề tài, dự án thuộc chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù, phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành, giúp các địa phương phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tham gia thực hiện.
Đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh chương trình không chỉ là chuyển giao khoa học, công nghệ qua các đề tài mà chuyển giao tri thức, tính chuyên nghiệp chuẩn hóa cho nông dân. Đây chính là cơ hội để các nhà khoa học giúp nông dân nâng cao năng suất lao động, tạo giá trị, sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: