30/07/2024 10:56
Bài 1: Sức bật từ nông nghiệp
NÂNG TẦM SẢN PHẨM OCOP
Xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Ở xã Long Thạnh, các sản phẩm OCOP được chú trọng hỗ trợ phát triển, trong đó mắm đu đủ chay ấp Năm Hải, xã Long Thạnh là một trong 27 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023.
Lãnh đạo huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), các phòng, ban chuyên môn tìm hiểu sản phẩm OCOP tại buổi công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023.
Chị Lý Kim Ại - chủ cơ sở làm mắm đu đủ chay ngụ ấp Năm Hải, xã Long Thạnh học làm mắm chay từ người chị vào năm 2022. Ban đầu chị Ại làm và bán mắm chay cho các quán cơm, khách khen ngon, từ đó chị có động lực duy trì và phát triển sản phẩm. Lâu dần nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, có cả khách hàng nước ngoài.
Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Ại mạnh dạn đăng ký xét công nhận sản phẩm OCOP để nâng tầm sản phẩm. Cuối năm 2023 mắm đu đủ chay được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Với giá bán từ 100-120 ngàn đồng/kg mắm chay giúp chị có lợi nhuận từ 30-50 triệu đồng/năm.
Chị Lý Kim Ại cho biết: “Khi làm mắm chay ngoài vị mắm ngon thì khâu an toàn thực phẩm được tôi chú trọng hàng đầu để khách hàng dùng sản phẩm luôn yên tâm. Mùng 1, ngày rằm hàng tháng khách hàng đặt mắm chay nhiều hơn ngày thường. Từ rằm tháng 11 âm lịch đến tết lượng hàng tăng gấp đôi. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tôi bán hơn 300kg mắm chay. Nhờ được khách hàng ưa chuộng, gia đình tôi có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình khấm khá hơn".
Theo chị Ại, khi làm mắm đu đủ chay phải dùng trái đu đủ mỏ vịt (trái vừa chín hồng), vừa hái xuống là làm liền mới giữ được độ giòn, ngọt và đậm đà. Nguyên liệu làm thành phẩm mắm chay như củ cải trắng, gừng… cũng dễ tìm mua. Làm mắm đu đủ chay phải qua nhiều công đoạn khác nhau, bào sợi đu đủ vừa phải, muối đu đủ đúng liều lượng, đúng thời gian ủ mắm nên mất khá nhiều thời gian... phải có kinh nghiệm và làm đúng quy trình thì mắm chay mới ngon.
Chị Lý Kim Ại (bên trái) - chủ cơ sở làm mắm đu đủ chay xã Long Thạnh chuẩn bị nguyên liệu làm mắm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh Nguyễn Thanh Quốc, xã có 2 sản phẩm đạt OCOP gồm gạo DS1 của Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ; mắm đu đủ chay ấp Năm Hải, xã Long Thạnh đang được nhiều khách hàng tin dùng…
Thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm mở ra cơ hội thuận lợi để người dân huyện Giồng Riềng tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Bên cạnh sản phẩm OCOP người dân Giồng Riềng đã cải tạo vườn tạp chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái… với mục tiêu thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế, góp phần chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ông Phạm Văn Hòa (66 tuổi), ngụ ấp Cây Bàng, xã Long Thạnh trồng 3.000m2 dưa lê, mỗi năm 2 vụ dưa lê, mỗi vụ trồng khoảng 70 ngày, thu hoạch 8-10 tấn/vụ với giá bán 9-12 ngàn đồng/kg, ông có lợi nhuận 50-65 triệu đồng/vụ. Thu nhập từ trồng dưa lê ổn định, giúp ông Hòa đã sửa lại nhà khang trang hơn.
Lãnh đạo xã Long Thạnh tham quan ruộng dưa lê của ông Phạm Văn Hòa, ngụ ấp Cây Bàng, xã Long Thạnh.
Trước kia ông Hòa trồng lúa, hiệu quả không cao, lại không đủ sức khỏe làm ruộng ông mạnh dạn chuyển sang trồng dưa lê từ năm 2019. Lần đầu thu hoạch ông Hòa thấy có hiệu quả, giá dưa lê cao hơn dưa hấu, lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa.
Theo ông Hòa, dưa lê dễ trồng, ít bệnh, nhẹ công chăm sóc, chỉ cực lúc dưa lê ra trái. Đến ngày thu hoạch có thương lái đến tận vườn thu mua, giá cả công khai nên không sợ bị ép giá hay dội chợ. Nhờ vậy thu nhập từ bán dưa lê ổn định, kinh tế gia đình ông Hòa khấm khá hơn.
Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP đã giúp người dân phát triển kinh tế hộ trên toàn huyện Giồng Riềng. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; điện, đường, trường, trạm, giao thông nông thôn… được đầu tư và phát triển; nhân dân đi lại thuận tiện, thông thương dễ dàng từ những đổi thay diện mạo của huyện góp phần phát triển kinh tế và giữ vững huyện nông thôn mới.
Bài và ảnh: BÍCH THÙY
(KGO) - Nhiều tháng qua, giá khóm ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang) luôn ở mức cao, nông dân trồng khóm rất phấn khởi.
Tổng số lượt truy cập: