03/09/2022 16:12
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH
Nhờ phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Với mục đích chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đồng chí Trần Thanh Phúc - Bí thư Xã đoàn Thạnh Đông A đã phát triển mô hình trồng gấc theo hướng hữu cơ trên đất của gia đình. Với những hiệu quả kinh tế bước đầu, gấc không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình đồng chí mà còn là mô hình giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên trong xã.
Đồng chí Phúc kể, qua tìm hiểu trên mạng xã hội biết được giống gấc nếp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng chí cùng một số đoàn viên, thanh niên đi tham quan mô hình trồng gấc tại tỉnh Tiền Giang. Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương, đồng chí Phúc đã quyết định đặt mua dây gấc để trồng thử.
Cán bộ Đoàn các cấp đến tham quan mô hình trồng gấc của đồng chí Trần Thanh Phúc - Bí thư Xã đoàn Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).
Theo đồng chí Phúc, gấc là loại cây ưa ẩm mát, dễ trồng lại không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Đây cũng là loại cây trồng ít mắc các bệnh vặt, chủ yếu bị sâu hay nấm lá, không tốn nhiều chi phí. Sau hơn 3 năm trồng gấc, đồng chí Phúc mở rộng diện tích trồng lên 3.000m2. Ngoài việc bán gấc thương phẩm, đồng chí Phúc còn học hỏi chế biến tinh dầu gấc để tăng thu nhập.
“Nhận thấy mô hình trồng gấc phù hợp với điều kiện ở địa phương, tôi thử nghiệm trồng gấc nếp. Hiện với diện tích 3.000m2 trồng gấc, mỗi năm tôi có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng”, đồng chí Phúc chia sẻ.
Để mô hình trồng gấc phát triển, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên, Xã đoàn Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) vận động thành lập tổ hợp tác thanh niên trồng gấc với diện tích sản xuất 15.000m2, vốn điều lệ 100 triệu đồng. Tổ hợp tác sẽ cung cấp gấc thương phẩm theo đơn đặt hàng cho cơ sở cung cấp gấc giống tại tỉnh Tiền Giang…
ĐỒNG HÀNH CÙNG THANH NIÊN
Từ sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là Đoàn, Hội các cấp của huyện Tân Hiệp, phong trào khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên phát triển mạnh mẽ.
Đồng chí Cao Hữu Phước - Bí thư Huyện đoàn Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết, hàng năm, Huyện đoàn tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, giúp thanh niên nông thôn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... thông qua các kênh thông tin, trang mạng xã hội nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.
Huyện đoàn Tân Hiệp tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia cuộc thi, dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất...
Xã đoàn Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) hỗ trợ gà giống cho đoàn viên, thanh niên trong xã phát triển kinh tế.
Với vai trò dẫn dắt, cầu nối, người bạn đồng hành trong khởi nghiệp, lập nghiệp, cũng như thực hiện hiệu quả chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Xã đoàn Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên.
Xã Thạnh Trị có 1.020 thanh niên, hiện còn trên 700 thanh niên có mặt tại địa phương, trong đó có hơn 186 thanh niên là đồng bào Khmer.
Từ thực tế, đoàn viên, thanh niên thiếu việc làm, việc làm không ổn định, nhiều đoàn viên, thanh niên còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất, kinh doanh, Xã đoàn Thạnh Trị triển khai nhiều hoạt động thiết thực gắn với tình hình thực tế của từng ấp, từng đơn vị. Xã đoàn phối hợp với các ngành tổ chức trên 100 lớp nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên.
Sau các lớp, nhiều mô hình kinh tế trong thanh niên được xây dựng. Từ năm 2017 đến nay, Xã đoàn Thạnh Trị đã thành lập 8 tổ hợp tác thanh niên, đặc biệt là câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế. Câu lạc bộ thành lập nhằm tạo môi trường sinh hoạt và tạo mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên, qua đó hàng năm giúp đỡ từ 3 đoàn viên, thanh niên trở lên thoát nghèo.
“Với trách nhiệm của mình, tổ chức Đoàn của xã Thạnh Trị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế. Đồng thời, Xã đoàn giúp đoàn viên, thanh niên trang bị kiến thức cần thiết, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, quỹ hỗ trợ để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đoàn viên, thanh niên có sự năng động, sáng tạo và quyết tâm cao trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp”, đồng chí Danh Pol Lý - Phó Bí thư Xã đoàn Thạnh Trị thông tin.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) phối hợp với các ngành tổ chức sàn giao dịch việc làm cho 5.887 thanh niên, qua đó giải quyết việc làm cho 2.214 thanh niên, trong đó xuất khẩu lao động 52 thanh niên. Đồng thời, phối hợp mở 18 lớp dạy nghề cho thanh niên, 87 lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp. Duy trì hoạt động có hiệu quả 2 hợp tác xã dịch vụ thanh niên và thành lập mới 13 tổ hợp tác thanh niên. Tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình, tổ chức Đoàn đã nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 38 tỷ đồng... |
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Hàng năm, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức đồng loạt, với khí thế kết đoàn, niềm vui tưng bừng, rộn ràng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động nhất cho sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên của người dân, góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh.
Tổng số lượt truy cập: