06/12/2023 15:51
Đồng chí Trương Thanh Thúy.
- Phóng viên: Đồng chí cho biết một số thông tin của đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII
- Đồng chí Trương Thanh Thúy: Đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 có 12 đại biểu. Với những thành tích nổi bật trong thực hiện công tác thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhiệm kỳ 2018-2023, Kiên Giang tham luận tại diễn đàn với nội dung đối thoại và thương lượng tập thể hướng đến nâng cao tiền lương, thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời, đại biểu Kiên Giang tham gia đóng góp nhiều giải pháp trong tổ chức, thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ mới.
- Phóng viên: Tại phiên trọng thể ngày 2-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội, trong đó gợi mở 5 vấn đề, đồng chí tâm đắc nhất vấn đề nào?
- Đồng chí Trương Thanh Thúy: Dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, tôi nhận thấy đại hội có nhiều điểm mới như tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và phục vụ đại hội; thiết kế, vận hành ứng dụng trên thiết bị di động để cung cấp thông tin, tài liệu, trao đổi, tương tác với đại biểu.
Đại hội mở 10 diễn đàn chuyên đề, qua đó thu thập ý kiến của đại biểu đóng góp văn kiện đại hội, đề xuất sáng kiến, giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII cũng như giải quyết vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn.
Đại hội nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo, khẳng định rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, biểu dương đóng góp của đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua hơn 90 năm qua và nhiệm kỳ 2018-2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 5 vấn đề quan trọng để đại hội thảo luận phương hướng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam thời gian tới. Tôi tâm đắc vấn đề thứ ba đó là các cấp Công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Mỗi cán bộ Công đoàn phải luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với Công đoàn; tin tưởng Công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Qua tiếp xúc cán bộ chủ chốt Công đoàn, đi thực tế nắm bắt tình hình ở các cấp Công đoàn, cho thấy mối quan tâm chủ yếu hiện nay của đoàn viên, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm, là hiệu quả chăm lo và bảo vệ đoàn viên của tổ chức Công đoàn. Vì vậy, các cấp Công đoàn phải xác định đây là mục tiêu hoạt động, chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, là nhân tố quan trọng tập hợp, gắn kết đoàn viên với tổ chức và xây dựng Công đoàn vững mạnh.
Bằng hoạt động thực tế và cụ thể, tổ chức Công đoàn làm cho đoàn viên, người lao động thấy được lợi ích khi vào tổ chức và phải minh chứng được lợi ích khi người lao động là đoàn viên Công đoàn. Mặt khác, phải bảo đảm quyền làm chủ, sứ mệnh giai cấp của công nhân, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn phải thực sự là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm cụ thể hóa, sớm đưa nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII vào thực tiễn cuộc sống.
- Phóng viên: Để nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII nhanh chóng đi vào cuộc sống, Kiên Giang sẽ bắt đầu tư đâu, thưa đồng chí?
- Đồng chí Trương Thanh Thúy: Ngay sau Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang tập trung chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động về kết quả của đại hội và nhiệm vụ đại hội đề ra trong nhiệm kỳ mới.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm cụ thể hóa, sớm đưa nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân, viên chức, người lao động và hoạt động Công đoàn của tỉnh. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trong các cấp Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Hoạt động Công đoàn bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy và nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xuất phát từ nhu cầu chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, thường xuyên đổi mới để thích ứng với sự thay đổi nhanh của thực tiễn. Các cấp Công đoàn đổi mới hơn nữa cách thức thu hút, tập hợp đoàn viên, nhất là khu vực ngoài nhà nước; nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn, quan tâm đào tạo, tập huấn.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ban chuyên môn Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
BÍCH TUYỀN thực hiện
(KGO) - Ngày 29-11, Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức cuộc thi chung kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024, với 15 dự án tham gia vòng cấp tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: