19/07/2023 16:00
PHÁT HUY DÂN CHỦ
Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang và Công đoàn cấp trên cơ sở đều có văn bản chỉ đạo công đoàn cơ sở tăng cường thực hiện tốt quy định về dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, 100% cơ quan, đơn vị và 65% doanh nghiệp có công đoàn xây dựng quy chế dân chủ; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động; 160/189 đơn vị là công ty cổ phần, doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 10 người lao động trở lên tổ chức hội nghị người lao động, 178 doanh nghiệp tổ chức đối thoại ít nhất 1 lần/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang Phạm Văn Đằng cho biết: “Chất lượng các cuộc hội nghị ngày càng nâng lên, ý kiến đề xuất, kiến nghị của Công đoàn và đoàn viên, người lao động ngày càng được người sử dụng lao động quan tâm giải quyết”.
Gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả, ghi đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Người lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: BÍCH TUYỀN
Tháng 5-2022, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang phối hợp Huyện ủy Châu Thành (Kiên Giang) tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với đại diện ban lãnh đạo, công đoàn cơ sở doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Châu Thành.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, đoàn viên, người lao động đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề như chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động vay vốn xây hoặc mua nhà, trả dần trong 5-10 năm; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang Trương Thanh Thúy cho biết: “Các kiến nghị, đề xuất từ người lao động, doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn tìm các giải pháp hỗ trợ hoặc đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ, góp phần chăm lo cho người lao động và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn”.
ĐỒNG HÀNH VÀ CHĂM LO
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Công đoàn các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại, thương lượng tập thể và góp ý xây dựng chế độ, chính sách cho người lao động tại doanh nghiệp.
Theo ông Lê Chí Dững - Phó trưởng Phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Kiên Hùng, những năm qua, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Kiên Hùng thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua thỏa thuận, ký kết thỏa ước lao động tập thể, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động so quy định pháp luật. Công ty hỗ trợ nhà tập thể miễn phí cho người lao động; hỗ trợ ăn ca; hỗ trợ người lao động ốm đau, nằm viện, việc hiếu, hỷ, hỗ trợ trường hợp khó khăn đột xuất…
Đoàn viên, công nhân, người lao động tham quan, mua sắm tại các gian hàng ưu đãi, tại lễ phát động tháng công nhân năm 2023. Ảnh: TÚ ANH
Định kỳ hàng năm, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Kiên Hùng đề xuất người sử dụng lao động điều chỉnh các chế độ phúc lợi trong bản thỏa ước. “Nhiều chính sách hiện nay tăng mức hỗ trợ so đầu nhiệm kỳ như hỗ trợ ăn ca hiện nay 22.000 đồng/suất, tăng 7.000 đồng/suất; thưởng lễ tối đa 500.000 đồng, tăng 200.000 đồng; hỗ trợ chi phí để công đoàn cơ sở tổ chức và khen thưởng các phong trào thi đua từ 50% lên 100%; nâng lương trước thời hạn cho người lao động có sáng kiến, tiết kiệm nguyên, vật liệu…”, ông Lê Chí Dững cho biết.
Công đoàn các cấp tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tham gia hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động, xử lý vi phạm về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội; tham gia ý kiến, đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương liên quan đến giải quyết việc làm...
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 183 vụ tai nạn lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, làm 58 người chết, 4 người bị thương. Công đoàn các cấp kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người bị tai nạn lao động, đảm bảo quyền lợi cao hơn hoặc bằng quy định của pháp luật. Trong đó có gần 20 trường hợp bồi thường, trợ cấp cho gia đình người lao động bị tai nạn lao động chết người cao hơn quy định pháp luật với số tiền trên 1,2 tỷ đồng.
Khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được quan tâm bảo vệ, chăm lo, đoàn viên, người lao động yên tâm, tích cực lao động, công tác, tạo ra giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Người sử dụng lao động trân trọng đóng góp của người lao động và ngày càng bổ sung nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động, qua đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động ngày càng ổn định và cải thiện.
BÍCH TUYỀN
(KGO) - Hàng năm, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức đồng loạt, với khí thế kết đoàn, niềm vui tưng bừng, rộn ràng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động nhất cho sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên của người dân, góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh.
Tổng số lượt truy cập: