11/10/2022 10:03
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh vào ngày 10 đến ngày 13-10. Dự báo từ nay đến cuối năm, lũ thấp nhưng triều cường ở mức cao, trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng thấp, trũng, vùng cửa sông Cái Lớn, Cái Bé, ven biển các huyện An Minh, An Biên.
Mực nước cao nhất các trạm nội đồng Kiên Giang cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 10-40cm và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-15cm. Một số trạm hiện tại mực nước đã trên báo động 1. Từ ngày 16-10 đến ngày 20-10, mực nước các trạm nội đồng lên chậm và khả năng đạt đỉnh lũ năm 2022 trong thời gian này.
Đến ngày 5-10, vụ hè thu 2022 thu hoạch dứt điểm. Vụ thu đông 2022, gieo sạ 69.181ha, thu hoạch 43.976ha (đạt 63,56%), dự kiến thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 11-2022.
Để chủ động sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề phòng thiệt hại do lũ kết hợp triều cường gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến lũ, triều cường kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương vùng tứ giác Long Xuyên, vùng tây sông Hậu tổ chức kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực xung yếu có khả năng bị ảnh hưởng của lũ để kịp thời khắc phục, bảo vệ sản xuất. Tùy tình hình mực nước, chủ động mở tất cả các cống trên địa bàn huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, TP. Rạch Giá để thoát lũ phục vụ sản xuất.
Vùng hạ lưu cống Cái Lớn (Kiên Giang) ngập do ảnh hưởng triều cường. Ảnh chụp ngày 20-7-2022.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất trồng trọt ở các vùng ảnh hưởng lũ, tổng hợp kịp thời tình hình thiệt hại, giảm năng suất do mưa, lũ để báo cáo; cập nhật thông tin về diện tích, địa phương đang sản xuất nông nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng do lũ để phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống cống tiêu thoát nước kịp thời.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ, kịp thời gia cố, tôn cao đoạn đê, bờ bao thấp, nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở nhằm đảm bảo an toàn sản xuất; tổ chức tuần tra, canh gác kịp thời phát hiện, xử lý ngay nhưng hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê.
Các địa phương cắm biển báo, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập, nhất là đoạn đường, tuyến phố dân cư thường xuyên bị ngập sâu và có nguy cơ sạt lở sau khi nước rút; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm về ngập úng để kịp thời tiêu thoát nước, sẵn sàng giải tỏa ách tắc giao thông.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang điều chỉnh kế hoạch vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô phù hợp thực tế, xử lý kịp thời tình hình ngập úng ở thượng và hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé; thông báo rộng rãi lịch vận hành đến các địa phương và nhân dân trong khu vực được biết để đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong khi bão Usagi đang gây gió giật cấp 11, trên biển xuất hiện tiếp một cơn bão có tên quốc tế là Man-yi. Sáng sớm 16-11, bão Man-yi đã mạnh lên thành siêu bão.
Tổng số lượt truy cập: