30/04/2025 15:09
VÁC PHÁO ĐÁNH TRẬN
Lý giải về tên gọi Tư Ánh, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh nói: “Tôi cao 1,5m, nặng 42kg nhưng hăng hái vác pháo đánh trận như con trai. Trong tiểu đội có chị hai, chị ba nên chị em trong đơn vị gọi tôi là “chú Tư”, gọi riết thành tên Tư Ánh chứ ở nhà tôi thứ ba”.
Đồng chí Ngọc Ánh sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Tháng 10-1965, Ngọc Ánh viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Vì tuổi còn nhỏ và là nữ nên Huyện ủy Gò Quao phân công Ngọc Ánh làm công tác giao liên và y tá.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Ánh.
Làm việc quên mình, tháng 7-1967, đồng chí được tổ chức phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ địa phương quân huyện Gò Quao. Nhiệm vụ chính của đồng chí lúc này là làm công tác giao liên và y tá, đồng thời tham gia huấn luyện.
Ngọc Ánh nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chuyển điện khẩn, công văn, tài liệu... luôn bảo đảm kịp thời, chính xác và tuyệt đối an toàn, từ đó, đồng chí được cấp trên và đồng đội tín nhiệm. Ngày 25-11-1967, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với khí thế Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tháng 1-1968, Ngọc Ánh cùng với một số phụ nữ viết đơn tình nguyện tham gia C112 - đi miền Đông; 10 chị được Tỉnh ủy giữ lại để thành lập đội thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 207 tiến về TX. Rạch Giá trong đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Tháng 2-1968, đội nữ thanh niên xung phong được bổ sung vào Đại đội pháo 617 (C617) của tỉnh và thành lập Tiểu đội nữ pháo binh, Ngọc Ánh vinh dự được tổ chức phân công làm tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ chính của Tiểu đội nữ pháo binh trong giai đoạn đầu thành lập là vác pháo tham gia cùng với các đơn vị của C617 đánh trên 10 trận, bức rút nhiều đồn bót của địch, tiêu biểu như bức rút các đồn Gò Đất, Xà Xiêm, Tắc Cậu, Máy Nước...
Những chiến thắng liên tiếp đó có đóng góp không nhỏ của Tiểu đội nữ pháo binh trong giai đoạn này được lan truyền làm nức lòng nhân dân tỉnh nhà, đặc biệt tạo niềm tin, động viên, khích lệ giới nữ trong vùng. Tiểu đội nữ pháo binh được Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định tặng bằng khen, đồng chí Ngọc Ánh được Tỉnh đội khen thưởng.
NỮ TRUNG ĐỘI TRƯỞNG MƯU TRÍ
Trong thời gian hoạt động tại địa bàn hai huyện Tân Hiệp và Giồng Riềng, từ tháng 6-1968 đến 11-1968, Tiểu đội nữ pháo binh vừa tham gia chiến đấu vừa huấn luyện bắn đạn thật và làm tốt công tác dân vận trên địa bàn, từ đó thu hút các chị em nhập ngũ. Từ 10 đồng chí ban đầu, quân số đơn vị tăng lên 30 đồng chí.
Tháng 11-1968, tổ chức quyết định thành lập Trung đội nữ pháo binh với biên chế gồm 1 Tiểu đội ĐKZ57, 1 Tiểu đội cối 82 và 1 Tiểu đội bộ binh. Đồng chí Ngọc Ánh vinh dự được tổ chức giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh.
Tháng 7-1970, đơn vị pháo binh nhận nhiệm vụ kiềm chế 40 quả pháo vào Chi khu Giồng Riềng, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 207 đánh đồn Đập Đất. Lúc này, đồng chí Ngọc Ánh được đơn vị cho phép nghỉ dưỡng bệnh nhưng vì số lượng pháo kiềm chế lớn, mặt khác trận địa pháo tiếp quản từ đơn vị pháo của Quân khu bị lộ, tình hình phức tạp, không yên tâm nên Ngọc Ánh xin được tham gia cùng đơn vị.
Quá trình chỉ huy, đơn vị cơ động lực lượng bằng xuồng ra trận địa, đến khu vực vàm Cái Đuốc Lớn, đội hình đơn vị bị súng máy 12,7mm của địch từ vàm Cái Đuốc Lớn bắn dữ dội, đồng chí Ngọc Ánh bình tĩnh chỉ huy vòng tránh bảo đảm an toàn. Do tập trung suy nghĩ cách đối phó nếu xảy ra tình huống bị địch phục kích nên đơn vị bị lạc đường.
Đồng chí Ngọc Ánh bình tĩnh chỉ huy đơn vị tìm chỗ đậu xuồng và hội ý nhanh tìm biện pháp giải quyết. Sau hơn 3 giờ hành quân, Ngọc Ánh và đồng đội đến được trận địa. Đúng theo kế hoạch hiệp đồng, đến hơn 23 giờ, ĐKZ57 và thủ pháo của ta nổ vang trời phía đồn Đập Đất. Đồng chí Ngọc Ánh chỉ huy đơn vị bắn hết 40 quả pháo kiềm chế Chi khu Giồng Riềng.
Địch tại Chi khu Giồng Riềng lo đối phó với đơn vị pháo binh nên không chi viện cho đồn Đập Đất được, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 207 đánh nhanh, rút gọn. Sau trận đánh, tháng 7-1970, đồng chí Ngọc Ánh được tổ chức bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Đại đội kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh.
Tháng 11-1971, do điều kiện tình hình không thể duy trì được đơn vị nữ pháo binh nên Tỉnh ủy chủ trương giải thể. Từ ngày thành lập đến khi giải thể, Trung đội nữ pháo binh tham gia chiến đấu trên 40 trận, cùng đơn vị bộ binh tiêu diệt và làm tan rã trên 400 tên địch. Đồng chí Ngọc Ánh được điều về Tỉnh đội Rạch Giá. Sau ngày giải phóng, đồng chí chuyển ngành sang cơ quan dân chính với cấp hàm thiếu tá.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, chiến sĩ Nguyễn Văn Tập lái đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập.
Tổng số lượt truy cập: