25/04/2025 10:23
Lực lượng Đặc công hải quân Đoàn 126 tấn công giải phóng đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa, ngày 25-4-1975. Ảnh: Lê Nhật/TTXVN
Trước tình thế quân đội và chính quyền Sài Gòn bị thất bại nặng nề, phải đối phó ở khắp nơi trên đất liền nên sự chi viện, tiếp tế cho các đảo bị hạn chế khiến tinh thần binh lính và sĩ quan địch trên các đảo càng thêm hoang mang, dao động.
Tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân ở Ðà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định nhanh chóng cơ động lực lượng đánh chiếm ngay các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa.
0 giờ 30 phút ngày 25-4-1975, tàu 641 chở Phân đội 2 (Đội 1, Đoàn Đặc công 126) do Thiếu úy Ðỗ Viết Cường chỉ huy bắt đầu đổ bộ lên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa.
Sau khi bí mật trinh sát, triển khai đội hình chiến đấu, 2 giờ 30 phút cùng ngày, các mũi tiến công của quân ta đồng loạt nổ súng. Quân địch đóng giữ đảo hoàn toàn bị bất ngờ, rối loạn đội hình, lúng túng chống trả yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng.
Đến 3 giờ ngày 25-4-1975, sau nửa giờ chiến đấu quyết liệt, đảo Sơn Ca được giải phóng hoàn toàn. Quân ta diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch trên đảo; thu hai máy vô tuyến điện, bốn máy điện thoại, hai xuồng máy, một máy nổ, 40 phuy xăng và toàn bộ vũ khí, đạn dược.
Triển khai lực lượng ở vùng ven và các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn
Ngày 25-4-1975, Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển về Bến Cát, trực tiếp chỉ huy cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định dùng máy bay thu được của địch, do phi công ta lái, để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy hơn nữa sự rối loạn của địch, không cho bọn đầu sỏ dễ dàng chạy trốn, không cho máy bay hiện còn ở sân bay Tân Sơn Nhất tháo chạy.
Cho đến lúc này, ở vùng ven Sài Gòn, ngoài các đơn vị chủ lực và địa phương, có 6 trung đoàn đặc công, 4 tiểu đoàn và 11 đội biệt động của ta đã bí mật triển khai lực lượng, áp sát các mục tiêu ở nội thành, chuẩn bị chiếm và giữ các cầu lớn ra vào thành phố.
Thành ủy Sài Gòn - Gia Định điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành, các xã vùng ven, phát động quần chúng nổi dậy, phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực.
Ở 80 xã vùng ven và 14 xã đô thị hóa, ta đều đã có cơ sở. Trong số 337 ấp, ta có cơ sở ở 251 ấp.
Tại vùng nông thôn Sài Gòn, ta có 80 chi bộ Đảng với 601 đảng viên, 40 chi đoàn với 284 đoàn viên.
Hai trung đoàn và 5 tiểu đoàn của lực lượng vũ trang thành phố, các đại đội bộ đội huyện cũng sẵn sàng hỗ trợ quần chúng nổi dậy.
Nhiều đội tuyên truyền xung phong được thành lập. Hàng trăm xe trang bị các phương tiện truyền thanh lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều nơi, quần chúng in truyền đơn, may băng cờ, viết biểu ngữ… nô nức chuẩn bị đón bộ đội giải phóng.
Các chiến sĩ đoàn Khe Sanh ngụy trang xe trước khi tiến công vào Sài Gòn. Ảnh: Quang Thành/TTXVN
Ngày 25-4-1975, mọi công tác chuẩn bị của ta cơ bản đã hoàn thành, các lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.
Trong 11 ngày chuẩn bị nước rút cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị hậu cần chiến lược Đoàn 559 đã khai thác, vận chuyển được 24.000 tấn vũ khí, 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, 1.000 tấn thuốc, 1.000 tấn xăng dầu; tổ chức 5 trạm trùng tu, 10 trạm sửa chữa pháo và xe tăng phục vụ cơ động cho chiến dịch.
Đặc biệt, trong những ngày chuẩn bị sát nút Chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu cần Miền đã đưa 10.000 người từ tuyến sau lên tổ chức thành 8 tiểu đoàn cơ động và huy động gần 4.000 xe vận tải các loại, 656 thuyền máy, canô, 1.736 xe đạp thồ, hơn 63.300 dân công hỏa tuyến, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị, với hơn 10.000 giường để phục vụ bộ đội.
Chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, các cơ quan phân xưởng của Quân giới B2 đã dồn hết khả năng nhân lực và trang thiết bị tập trung sản xuất hai loại vũ khí có nhu cầu lớn cho tác chiến lúc này là MĐH và bộc phá phá rào.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền, phòng quân giới Miền đã chỉ đạo các xưởng trực thuộc tổ chức một đợt sản xuất cao điểm 20 ngày (từ ngày 5 đến 25-4-1975) sản xuất hơn 6.800 quả bộc phá phá rào và hơn 3.600 quả MĐH10.
Tại Bạc Liêu, ngày 25-4-1975, cơ sở binh vận của ta đã có các cuộc tiếp xúc với Tỉnh trưởng Bạc Liêu, Tiểu khu phó, Tham mưu trưởng tiểu khu và Trưởng Ty cảnh sát.
Cũng trong ngày 25-4-1975, tại Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 đóng ở Rạch Bé, Bộ Tư lệnh Quân đoàn tổ chức phổ biến quyết tâm chiến đấu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị.
Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh Quân đoàn ra chỉ thị hiệp đồng trên sa bàn cho chỉ huy các đơn vị bộ binh và quân chủng. Bắt đầu từ ngày 25-4-1975, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320 bắt đầu cơ động lực lượng về Lái Thiêu.
Trong khi đó, trên hướng hoạt động của Quân đoàn 3, phát hiện thấy Sư đoàn 25 ngụy có dấu hiệu rút về Đồng Dù, Hóc Môn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 316 đưa toàn bộ lực lượng ra ngăn chặn giam chân địch. Trung đoàn 149 cắt đứt đường 1 ở phía đông Trảng Bàng, vây chặt và sẵn sàng tiến công địch ở căn cứ này.
Trung đoàn 174 cắt đường 1 ở khu vực Phước Mỹ sẵn sàng đánh chiếm căn cứ Phước Mỹ. Cũng từ ngày 25-4-1975 (cho đến ngày 27-4-1975), pháo binh Quân đoàn 3 đã bắn dữ dội vào các trận địa pháo địch ở Đồng Dù, Phước Mỹ, Đồng Chùa, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Bến Kho, Khiêm Hạnh.
Theo Vietnam+
(KGO) - Sáng 24-4, Đảng ủy, UBND xã Thạnh Lộc phối hợp với ban liên lạc du kích xã Thạnh Hưng tổ chức họp mặt lực lượng du kích ba xã Thạnh Lộc, Thạnh Hưng và Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tổng số lượt truy cập: