13/04/2025 19:14
Ngày 9-4-1975, quân Giải phóng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 13-4-1975, các cánh quân của ta đã áp sát và chuẩn bị tiến công “lá chắn thép” Phan Rang - phòng tuyến “tử thủ” Sài Gòn từ xa của quân ngụy.
Tại chiến dịch Xuân Lộc, ngày 13-4-1975, Bộ Tổng Tư lệnh điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Xuân Lộc chỉ thị: Ở hướng Xuân Lộc hiện không nên thêm lực lượng. Với lực lượng sẵn có, chuyển cách đánh cho thích hợp để đạt những yêu cầu đề ra.
Cũng trong ngày 13-4-1975, Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đến sở chỉ huy cùng Tư lệnh Quân đoàn 4 nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh chiến dịch Xuân Lộc.
Xuất phát từ nhận định cơ bản là đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Quân đoàn 4 chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, cắt đường 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong, cắt đường 2 đi Bà Rịa.
Cách đánh này được hình thành còn xuất phát từ nhận định là tình hình địch đang hoang mang, dao động về chiến lược, quân ta không nhất thiết phải tập trung lực lượng lớn đánh vào một khu vực lực lượng địch đông và mạnh mà có thể dùng "thế" để giải phóng Xuân Lộc.
Do đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định ngừng tiến công các vị trí địch trong thị xã. Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) và Trung đoàn 266 (Sư đoàn 341) giữ vững bàn đạp đã chiếm được, duy trì áp lực thường xuyên đối với quân địch trong thị xã, thực hiện các biện pháp nghi binh làm cho địch tin rằng quân ta đang chuẩn bị đánh tiếp.
Quân giải phóng đánh chiếm Trường Thiết giáp ngụy tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa). Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN
Sư đoàn 6 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95B (thuộc Sư đoàn 325 Quân đoàn 2) mới từ Tây Nguyên vào được tăng cường cho Quân đoàn 4 sẽ đánh chiếm Dầu Dây và núi Thị, giải phóng thêm một đoạn đường 1 và đoạn đường 20 còn lại, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích.
Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) triển khai lực lượng trên dải vòng cung đông bắc chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ đoàn dù 1 ngụy, không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để bắt liên lạc với Chiến đoàn 43 ngụy trong thị xã.
Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) và hai Trung đoàn còn lại của Sư đoàn 141 củng cố tại chỗ làm lực lượng dự bị cơ động.
Trong khi ta chuyển thế trận và cách đánh, địch lại tưởng rằng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu huênh hoang tuyên truyền về "chiến thắng Xuân Lộc," về "khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã được phục hồi," chúng "đã chấm dứt thời kỳ rút lui" và còn "đủ mạnh để giữ vững chế độ."
Lê Minh Đảo - Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy huênh hoang tuyên bố "Việt cộng dù có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không chiếm được Long Khánh... Việt cộng muốn qua Long Khánh phải bước qua xác của Đảo này."
Ngày 13-4-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định nhất trí đề nghị lên Bộ Chính trị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, cùng ngày, Sư đoàn 320B Quân đoàn 3, hành quân đến tập kết tại Đồng Xoài.
Trong khi đó, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định tập trung khâu chỉ đạo chuẩn bị cho đòn nổi dậy phát động quần chúng, rải truyền đơn phát triển thực lực. Các cấp đều được tăng cường cán bộ, đảng viên và các cơ sở quần chúng.
Biệt động thành nắm chắc các lực lượng quan trọng như 60 tổ biệt động, hơn 300 quần chúng có vũ trang để sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy.
Ngoài ra, lực lượng đứng ở vùng ven (khoảng 1.300 cán bộ, đảng viên) cũng được lệnh sẵn sàng tiến vào nội đô.
Bên cạnh đó, 6 cánh hậu cần bảo đảm cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định cũng được triển khai hoạt động: Đoàn 210 và Đoàn 814 ở hướng đông và đông bắc, Đoàn 235 và Đoàn 220 ở hướng bắc và tây bắc, Đoàn 230 và Đoàn 240 ở hướng tây và tây nam.
Các hướng hậu cần đã kết hợp chặt chẽ với cơ sở hậu cần vùng ven và nội đô thành để tiếp nhận sự chi viện của Trung ương, xây dựng thế trận liên hoàn và rộng khắp.
Cũng trong ngày 13-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện chỉ thị cho đồng chí Hai Mạnh và Khu ủy Khu 5 nhấn mạnh thời cơ đánh chiếm các đảo ở ngoài khơi: Nếu địch đã rút toàn bộ hay đại bộ phận lực lượng thì đánh chiếm ngay các đảo.
Theo Vietnam+
(KGO) - Lực lượng vũ trang Khu 8, Khu 9 đã mở thông hành lang nối liền từ miền Đông Nam bộ đến Đồng Tháp Mười, làm chủ các đoạn đường chiến lược quan trọng ở vùng giáp ranh.
Tổng số lượt truy cập: